Đau đầu vì đón tết quê chồng hay quê vợ ?

23/01/2024 09:00 GMT+7

Cứ đến thời điểm gần tết, câu hỏi: "Ăn tết ở quê chồng hay quê vợ?” lại được đưa ra tranh luận. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là các cặp vợ chồng trẻ có gia đình nội, ngoại ở cách xa nhau.

Ai cũng muốn về quê mình

Mỗi dịp tết đến xuân về, ngoài những vấn đề về tiền bạc, sắm sửa chi tiêu trong dịp tết thì câu chuyện năm nay ăn tết bên nội hay ngoại cũng khiến không ít cặp vợ chồng trẻ đau đầu.

Đau đầu vì đón tết quê chồng hay quê vợ ?- Ảnh 1.

Không ít cặp vợ chồng trẻ đau đầu trước câu hỏi: Tết này về đâu?

THẢO PHƯƠNG

Vào TP.HCM học tập, sau đó ở lại làm việc và lập gia đình được hơn 3 năm nay, Võ Thị Thùy Trang (29 tuổi), quê ở tỉnh Khánh Hòa, ngụ tại đường Bình Quới, Q.Bình Thạnh, kể 3 năm rồi chưa được ăn tết nhà mẹ đẻ.

“Cả 2 vợ chồng mình đều đang sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Tết năm đầu tiên lấy chồng mình về quê anh ấy ở tỉnh An Giang; năm thứ 2 sinh em bé nên ở lại thành phố; năm thứ 3 cũng về quê anh ấy. Thật sự rất muốn về quê ngoại ăn tết nhưng ngặt nỗi chồng mình là con một, nếu tết tụi mình không về thì ông bà nội dưới quê rất buồn”, Trang chia sẻ.

Dù bên nội buồn nhưng phía nhà ngoại cũng mong con ngóng cháu nên năm nay, vợ chồng Trang quyết định về Khánh Hòa ăn tết. “Để đưa ra quyết định ấy cũng không phải chuyện dễ dàng. Cuối cùng mình thuyết phục anh ấy bằng cách nếu tết đã về ngoại thì những dịp nghỉ lễ dài ngày trong năm sau sẽ về thăm ông bà bên nội”, Trang nói.

Gia đình 2 bên nội, ngoại cách xa nhau hơn cả ngàn km, do đó mỗi lần tết đến vợ chồng anh Lê Thanh Hoài (34 tuổi), ngụ tại đường số 14, khu phố 4, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức (TP.HCM) lại trăn trở việc năm nay ăn tết ở đâu.

“Những năm mới cưới vợ, chồng hay cãi nhau chuyện ăn tết bên nội hay ngoại, ai cũng muốn về nhà mình. Nhưng sau đó cả 2 đã thống nhất được với nhau. Vì quê tôi ở miền Tây còn vợ ở Quảng Ngãi, chi phí đi lại mỗi lần về Quảng Ngãi khá cao nên 2 năm về một lần và vợ cũng đồng tình với phương án đó”, anh Hoài chia sẻ.

Đau đầu vì đón tết quê chồng hay quê vợ ?- Ảnh 2.

Tết là để đoàn viên, đón chờ những điều tuyệt vời cho năm mới nên đừng để xảy ra những cãi vã không đáng có

THẢO PHƯƠNG

Không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể dễ dàng tìm được tiếng nói chung trước câu hỏi không hồi kết: Ăn tết quê chồng hay quê vợ? Vì ai cũng muốn về quê mình mà không ít cặp vợ chồng bất hòa, lời qua tiếng lại.

“Quê anh ấy ở Bình Phước gần TP.HCM hơn nên bình thường những dịp nghỉ lễ trong năm đều về nhà chồng. Vậy mà những ngày tết mình mong được về nhà mẹ đẻ thì chồng cứ bàn ra, thế là cãi lộn rồi giận nhau”, Bùi Thị Thanh Thủy (27 tuổi), ngụ tại hẻm 32, đường Đông Hưng Thuận, Q.12 (TP.HCM) tâm sự.

Vợ chồng nên hiểu và chia sẻ với nhau

Tết về bên chồng hay bên vợ luôn là chủ đề được bàn luận sôi nổi mỗi khi tết đến xuân về. Vậy làm thế nào để vẹn cả đôi đường khi vợ và chồng đều trông mong được đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày tết sau 1 năm đi làm xa nhà?

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, đưa ra lời khuyên: “Thông thường trước tết vợ và chồng nên ngồi lại cùng bàn bạc và thống nhất. Vẫn biết bên nội hay ngoại thì ông bà cũng rất trông mong con cháu về sum họp. Vì thế vợ, chồng có thể đứng về phía đối phương để hiểu và chia sẻ. Cũng có thể tham khảo phương án 1 năm tết ngoại và 1 năm tết nội. Ngoài ra cũng có thể chọn giải pháp “Âu Cơ – Lạc Long Quân”, tức là vợ về ngoại, chồng về nội, ra tết vợ chồng cùng hội ngộ. Có thể sẽ không có phương án nào là tối ưu vì vốn dĩ “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh””.

Thạc sĩ Đào Lưu cũng chia sẻ thêm: “Thời buổi công nghệ phát triển, chúng ta vẫn có thể tận dụng nó để kéo gần khoảng cách giữa ông bà, cha mẹ, con cháu. Để dù ở bên nội hay bên ngoại thì ông bà, con cháu vẫn có thể trò chuyện, chúc tết và không còn cảm giác xa vắng như ngày xưa. Tóm lại, chỉ cần có tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tết là để đoàn viên, vui vẻ và đón chờ những điều tuyệt vời cho năm mới. Hãy để cho những ngày tết thật trọn vẹn thay vì là những tranh cãi không đáng có”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.