Ngày 22.12, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tiếp tục tổ chức phiên đấu giá biển số xe ô tô thứ 2, dưới hình thức trực tuyến.
Biển số gây chú ý nhiều nhất hôm nay là 11A-111.11 của tỉnh Cao Bằng. Kết thúc lượt đấu giá kéo dài 30 phút, từ 8 giờ - 8 giờ 30, biển số "siêu VIP" với 7 chữ số 1 này được một đại gia chốt thành công với số tiền 8,78 tỉ đồng.
Đây cũng là mức trúng đấu giá cao nhất trong nhiều cuộc đấu giá biển số xe thời gian gần đây.
Ngoài biển 11A-111.11, các cuộc đấu giá biển số trong ngày 22.12 cũng ghi nhận nhiều biển số khác được đấu giá thành công với con số tiền tỉ.
Điển hình như 30L-000.01 của Hà Nội với hơn 2,8 tỉ đồng, 30K-689.99 của Hà Nội với hơn 1,1 tỉ đồng, 30K-969.69 và 30K-889.89 đều của Hà Nội với lần lượt gần 1,2 tỉ đồng và gần 1,4 tỉ đồng.
Biển số 'siêu VIP' 11A-111.11 được đại gia chốt gần 9 tỉ đồng
Theo thông báo từ Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, phiên đấu giá biển số xe ô tô thứ 2 có hơn 288.000 biển số được niêm yết để người dân lựa chọn, đăng ký tham gia đấu giá.
Đáng chú ý, điểm mới được Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đưa ra trong quy chế đấu giá lần này, đó là thời gian đấu giá cho mỗi biển số xe ô tô sẽ rút ngắn từ 1 tiếng xuống còn 30 phút.
Giá khởi điểm mỗi biển số vẫn là 40 triệu đồng, bước giá 5 triệu đồng. Người dân muốn tham gia đấu giá cần nộp 40 triệu đồng tiền đặt trước và 100.000 đồng tiền phí hồ sơ.
Trường hợp người trúng đấu giá thì số tiền 40 triệu đồng tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an. Trong 15 ngày, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ số tiền trúng đấu giá. Nếu không nộp đủ, kết quả đấu giá sẽ bị hủy, biển số được đưa ra đấu giá lại.
Trường hợp không trúng đấu giá, người đấu giá sẽ được trả lại 40 triệu đồng tiền đặt trước, trong vòng 3 ngày kể từ khi cuộc đấu giá kết thúc.
Người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền đặt trước trong 3 trường hợp. Thứ nhất là đủ điều kiện tham gia đấu giá nhưng không được hệ thống ghi nhận truy cập vào cuộc đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng. Thứ hai là bị truất quyền tham gia đấu giá. Thứ ba là không xác nhận biên bản đấu giá trong thời gian quy định.
Quy chế cũng liệt kê các trường hợp người đấu giá bị truất quyền đấu giá. Ví dụ: cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo; thông đồng, móc nối với đấu giá viên hoặc tổ chức đấu giá để dìm giá, làm sai lệch kết quả; gây nhiễu loạn cuộc đấu giá; cho người khác truy cập, tham gia trả giá từ tài khoản đăng nhập của mình mà không có ủy quyền hợp lệ…
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 22.12
Bình luận (0)