Chưa rõ Bộ Công an thay đổi quản lý ô tô thế nào
Theo Bộ Công an, phương án thí điểm trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả địa phương, khai thác hiệu quả tài sản công là kho biển số đăng ký ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nếu người thường trú tại địa phương nào chỉ được tham gia đấu giá tại địa phương đó thì sẽ hạn chế số lượng người tham gia đấu giá.
Liên quan vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) thấy còn một số vấn đề chưa thực sự phù hợp, rõ ràng, có thể sẽ gây vướng khi triển khai. Theo bà Thủy, dự thảo nghị quyết quy định đấu giá trực tuyến trên phạm vi toàn quốc, song hiện chúng ta thực hiện cấp đăng ký, cấp biển số xe cũng như quản lý phương tiện theo địa bàn các tỉnh, TP. Khi thay đổi địa bàn cư trú hoặc chuyển nhượng cho người cư trú ở địa bàn tỉnh khác cũng phải đăng ký lại.
“Bây giờ chúng ta đấu giá biển số đồng loạt như vậy, một người ở Cà Mau đấu giá ở Hà Nội và gắn biển số Hà Nội nhưng chạy xe ở Cà Mau thì công tác quản lý sẽ tạo ra rất nhiều phức tạp. Khi chạy xe, chúng ta không hạn chế chạy ở đâu nhưng có quy định về việc đăng ký để quản lý theo địa bàn. Chúng tôi chưa thấy lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ tiến hành quản lý ô tô và phải thay đổi thế nào để phù hợp với quy định bán đấu giá trên địa bàn cả nước như thế này”, bà Thủy nêu.
Đây cũng là vấn đề được Ủy ban Quốc phòng - An ninh nêu trong báo cáo thẩm tra. Ủy ban này đề nghị Chính phủ làm rõ công tác quản lý, đăng ký ô tô đối với những trường hợp thường trú ở địa phương này trúng đấu giá biển số ô tô ở địa phương khác.
Sẽ không quản lý được
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, quan điểm “thí điểm đấu giá biển số không được phép phá vỡ nguyên tắc quản lý xe theo địa giới hành chính”. Theo ông Thanh, nếu đấu giá tập trung trên phạm vi cả nước thì có thể toàn bộ người dân miền Bắc sẽ đấu giá biển số xe Hà Nội và như thế sẽ không quản lý được.
Giám đốc Sở Quy hoạch TP.Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng với phương tiện cá nhân ở đô thị thì có địa phương cần khuyến khích, có địa phương như Hà Nội là không khuyến khích. Do đó, quản lý phương tiện cá nhân ở đô thị như Hà Nội là phải quản lý chặt. Để làm được điều này, theo ông Trúc Anh, cơ quan quản lý phải biết số xe đưa ra đăng kiểm ở Hà Nội là bao nhiêu, nguồn biển số xe gắn với phương tiện ấy. Từ đó, nên quản lý biển số xe phải gắn với địa phương.
“Không nên xáo trộn. Quản lý phương tiện cá nhân là bài toán cực kỳ nan giải của đại đô thị. Nếu phá vỡ mà chưa có tổng kết, đánh giá thì cũng rất nguy hiểm. Cho nên, tôi nghĩ vẫn giữ theo truyền thống gắn phương tiện và biển số xe để quản lý. Ở đây là nâng cao một mức theo nhu cầu của xã hội thích biển số đẹp thì đấu giá, nhưng phải quản lý được, phục vụ mục đích quản lý trước”, ĐB đoàn Hà Nội nêu ý kiến.
Nếu được thông qua, giữa năm 2023 có thể đấu giá
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Phòng Hướng dẫn, đăng ký và kiểm định phương tiện (viết tắt là Phòng ĐKKĐ), thuộc Cục CSGT Bộ Công an cho biết cơ quan này đang xây dựng văn bản để tham mưu, đồng thời chờ QH ban hành nghị quyết. “Hiện việc đấu giá biển số vẫn phụ thuộc vào QH.
Trên cơ sở đề xuất, QH đồng ý chủ trương thì mới triển khai. Quá trình chờ QH đồng ý thì chúng tôi vẫn có sự chuẩn bị và triển khai các bước tiếp theo khi có chủ trương, phấn đấu giữa năm 2023 sẽ thí điểm đấu giá biển số”, lãnh đạo Phòng ĐKKĐ cho hay. Theo vị này, quá trình triển khai, những người muốn tham gia đấu giá biển số xe không cần thiết phải chứng minh mình có ô tô, hợp đồng mua ô tô mà có thể đấu giá, mua biển số ngay và mua xe sau.
Trần Cường
Bình luận (0)