Đây là tác phẩm hội họa quý hiếm và đặc biệt của một trong những họa sĩ hàng đầu nền nghệ thuật hiện đại VN. Hoàn thiện vào năm 1930, thuộc thời kỳ sáng tạo đỉnh cao của Nguyễn Phan Chánh, kiệt tác này được dự đoán sẽ lập nên kỷ lục mới trong phiên đấu giá sắp tới và được coi là tác phẩm quan trọng nhất từng được tung ra thị trường của ông.
Trước đây, tác phẩm chỉ được biết đến qua hồ sơ lưu trữ và các cuộc triển lãm ở Hà Nội (năm 1930) và Paris (năm 1931). Sau đó, bức tranh được phát hiện trong một ngôi nhà khiêm tốn ở vùng nông thôn Pháp.
Người hát dân ca được ông nội của chủ nhân hiện tại mua ở Triển lãm thuộc địa quốc tế (Exposition Coloniale Internationale) tại Paris năm 1931. Đó là lần đầu tiên hội họa hiện đại của VN được giới thiệu ở phương Tây. Kể từ đó, bức tranh đã trở thành một viên ngọc ẩn, kiên nhẫn chờ đợi được tái khám phá.
Người hát dân ca là tác phẩm điển hình cho giai đoạn được "săn đón" nhiều nhất của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1930 - 1935) - khoảng thời gian mà ông chú tâm thể hiện những khoảnh khắc đời thường theo cách thật gần gũi, thân thuộc.
Bức tranh miêu tả hai phụ nữ thôn quê trong bối cảnh dân dã, bao quanh bởi tông màu đất chủ đạo. Bố cục này phản ánh sự tập trung của Nguyễn Phan Chánh đối với vẻ đẹp chân phương hơn là tính mới lạ về mặt thẩm mỹ, mang đến cho người xem cái nhìn sâu sắc về cuộc sống đời thường ở VN đầu thế kỷ 20. Tác phẩm từng "ẩn mình" gần một thế kỷ này là một trong những điểm nhấn của phiên đấu giá Arts d'Asie, diễn ra ngày 14.6 tới tại Sotheby's Paris, và sẽ được trưng bày ở đó từ ngày 8 - 13.6, cùng với các tác phẩm khác của phiên đấu giá.
Bình luận (0)