Trang bìa truyện tranh kể trên là trang bìa của tập truyện King Ottokar’s Sceptre (tạm dịch: Quyền trượng của vua Ottokar). Ở tập truyện này, “cha đẻ” của chàng phóng viên trẻ Tintin, tác giả người Bỉ Georges Remi có bút danh Hergé, châm biếm Hitler sau khi trùm phát xít Đức này thôn tính nước Áo hồi năm 1938. Tintin và chú chó săn trung thành Snowy đã tìm cách đập tan âm mưu của các gián điệp nhằm lật đổ hoàng đế xứ Syldavia hư cấu.
Tập truyện này được công bố lần đầu tiên trong mục dành cho thiếu nhi của tờ Le Vingtième Siècle của Bỉ. Trang bìa của tập truyện mô tả Tintin đang bị trượt ngã khi ra khỏi máy bay ở Praha (Cộng hòa Séc) và phải túm lấy chùm râu của người bạn mới quen (giáo sư Alembick) để giữ thăng bằng.
Những cuộc phiêu lưu của Tintin kể về những cuộc phiêu lưu kỳ thú của chàng phóng viên trẻ tuổi và nhiệt huyết Tintin cùng chú chó trắng trung thành Snowy. Đây được xem là một trong những biểu tượng minh chứng cho cơn sốt truyện tranh Bỉ lan tỏa từ cách đây khoảng 90 năm.
|
Không chỉ ở Bỉ - quê hương của nhà báo Tintin, loạt truyện này đã được dịch và phát hành ở 85 nước trên thế giới. Thậm chí, người phát ngôn của Bảo tàng Hergé cũng phải thốt lên: “Thật sự không có một công dân Bỉ nào nổi tiếng hơn Tintin”.
Tác phẩm của Hergé đã truyền cảm hứng cho vô số người khác kể những câu chuyện bằng tranh vẽ. Ông là người tiên phong về phong cách minh họa ligne claire (rõ nét) với những đường nét rõ ràng, mạnh mẽ, chính xác, màu sắc đậm và độ tương phản thấp đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho các thế hệ họa sĩ truyện tranh sau này.
Theo hãng tin AFP, bức vẽ này nằm trong loạt tranh hoạt hình cổ điển đem ra đấu giá tại Nhà đấu giá Artcurial ở thủ đô Paris, vốn bị trì hoãn từ tháng 3 qua do dịch Covid-19.
Ngoài trang bìa của tập truyện trên, bức vẽ hai nhân vật Asterix và Obelix trong bộ truyện tranh Những cuộc phiêu lưu Asterix do họa sĩ người Pháp Albert Uderzo vẽ cho một quyển sách tô màu từ năm 1966, cũng được dự đoán sẽ được bán với giá lên tới hơn 28.000 USD trong phiên đấu giá lần này.
|
Hãng AFP ước đoán mức giá được trả cao nhất có thể là bức vẽ bằng mực có tên là Le pirogue (Thuyền độc mộc) vào tháng 4.1954 của họa sĩ người Bỉ André Franquin, người sáng tạo ra nhân vật truyện tranh giả tưởng Marsupilami, xuất hiện lần đầu vào ngày 31.1.1952 trong tạp chí Spirou. Sau đó, Marsupilami xuất hiện thường xuyên trong loạt truyện Spirou và Fantasio (mà ông vẽ từ năm 1949 đến 1969), có nội dung tương tự như các truyện phiêu lưu mạo hiểm hài hước về Tintin và Asterix.
Spirou và Fantasio là hai nhà báo mạo hiểm tham gia vào những cuộc phiêu lưu cùng với nhà phát minh đồng thời là bạn của hai người - Bá tước Champignac. Bức vẽ truyện tranh trên tạp chí Spirou này ước tính sẽ thu về trong khoảng từ 394.000 đến 506.200 USD.
Bình luận (0)