Tại hội trường B của Cung văn hóa Lao động đang có đợt Triển lãm văn hóa nghệ thuật dân tộc và Phật giáo nhân mùa Phật đản từ mấy ngày nay với hơn 400 tác phẩm bao gồm tranh tượng, đá tự nhiên tạo hình nghệ thuật và thư pháp... Một số trong các tác phẩm trưng bày tại triển lãm vừa được chọn để đưa ra bán đấu giá.
Bức Đạt-ma võ đạo khá độc đáo do một số nghệ nhân của cơ sở Thiên Tân điêu khắc trên gỗ, thể hiện Đạt-ma với gương mặt quắc thước, đang dụng võ. Nhiều bạn trẻ xem tượng ngạc nhiên hỏi trước nay họ chỉ thấy tượng Đạt-ma đứng trên một cọng lau vượt qua “bể khổ”, hoặc đang “gánh” một chiếc dép trên đường, chứ chưa từng thấy tác phẩm nào như vậy. Một số bạn thắc mắc: “Trông ngài qua pho tượng này thì không thể nghĩ rằng ngài đã từng đứng yên để một vị pháp sư đánh mình”.
Tế công tượng gỗ - Ảnh: Giao Hưởng |
Có vậy không? Có đấy! Đại sư Tuyên Hóa kể, khi Đạt-ma đến Trung Quốc, nghe tin pháp sư Thần Quang giảng kinh rất hay, ngài đến nghe thử và hỏi: “Kinh mà ông giảng đều là giấy trắng mực đen chép ra và ông nói lại, làm sao có thể giúp người khác ra khỏi vòng sống chết?”. Thần Quang không trả lời được, xấu hổ, cầm xâu chuỗi niệm Phật bằng sắt quất vào mặt Đạt-ma, gãy hai chiếc răng. Đạt-ma là một vị thánh đã thành, có đủ quyền năng đánh bại Thần Quang, nhưng nếu răng của bậc thánh bị đánh gãy nhổ xuống chỗ nào thì cả miền đất của chỗ ấy sẽ bị hạn hán 3 năm, mùa màng mất mát, nên ngài nuốt hai cái răng vào bụng mình và bỏ đi. Sau, được Quỷ vô thường mách cho biết Đạt-ma là một vị thánh, Thần Quang hối hận, chạy theo ngài, đến núi Hùng Nhĩ ở Lạc Dương (chùa Thiếu lâm trên Tung Sơn, tỉnh Hà Nam). Đến đó thấy ngài ngồi quay mặt vào vách 9 năm không nói gì, Thần Quang cũng quỳ đủ 9 năm bên cạnh. Và một bữa, Thần Quang lấy thanh giới đao chặt đứt cánh tay mình (cánh tay đã từng vung lên đánh Đạt-ma) để sám hối. Sau Thần Quang thành đệ tử tâm truyền của Đạt-ma và là vị tổ thứ nhì của thiền tông Trung Quốc. Thần Quang truyền lại cho Tăng Xán làm tổ thứ ba. Vị này truyền cho đệ tử là Tì-ni-đa-lưu-chi và ngài Tì-ni-đa-lưu-chi sang VN, đến chùa Dâu, lập ra dòng thiền đầu tiên ở nước ta.
Có một bức khác sinh động, lạ mắt và thu hút nhiều bạn trẻ là tượng Tế công. Tượng này thể hiện một vị đang say rượu là đà, đưa chân hỏng đất với một chiếc dép “lưng chừng trời” và một điệu đi ngất ngưởng, trên tay cầm một bình rượu. Cứ ngỡ đây là một “đệ tử Lưu Linh”, nhưng thật ra đó là hóa thân của một vị La hán từ núi Thiên Thai xuống. Ông uống rượu, ăn thịt chó, nhưng mỗi ngụm ngài uống sẽ theo đại nguyện làm tiêu đi nhiều vũng nước mắt của phàm phu, mỗi miếng thịt ngài ăn có thể giúp một sinh linh nào đó thoát kiếp “sói cầy” để làm người tử tế.
Di lặc tượng gỗ - Ảnh: Giao Hưởng |
Ngoài ra, còn các tranh tượng: Cửu niên diện bích của Triều Nguyên, Thập bát La hán của Đan Tự, Cõi tình của Trương Hán Minh, Phong cảnh của Thích Từ Quảng, Ông đồ của Nguyễn Lâm, Quê hương của Phúc An. Ban tổ chức dự kiến thêm một bức khác có thể bổ sung vào danh sách đấu giá là tượng Di lặc đang cười. Người ta tin rằng nếu để tượng ngài Di lặc trong nhà sẽ có nguồn vui tuôn chảy vào không ngớt, vì theo hòa thượng Thích Thanh Từ, ngài Di lặc là hình ảnh hóa thân của Di lặc thành Bố Đại hòa thượng, tức là “ông già quẩy cái đẫy to tướng, mặt tròn, miệng cười, bụng phệ, áo phạch ngực” đi ăn xin khắp các phố phường. Ông xin gì? Xin những nỗi buồn đau, những niềm sân giận, những bất hạnh khôn lường, để chất hết vào bụng mình, để chịu đựng, còn nhường cho tất cả mọi người những niềm vui nhẹ nhõm...
Chương trình có sự tham gia của danh hài Mỹ Chi, khí công Thiếu lâm võ đạo Hoàng Tân, nhóm Nhạc Xanh và các nghệ sĩ: Phượng Hằng, Sĩ Luân, Châu Thanh, Trâm Anh...
|
Giao Hưởng
Bình luận (0)