Chảy máu trong thường xảy ra do chấn thương như té ngã, tai nạn giao thông. Ban đầu, nạn nhân có thể không xuất hiện triệu chứng gì nhưng vết thương chảy máu trong có thể bị đau, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Truyền tĩnh mạch với chất điện giải, huyết tương, máu và tiểu cầu có thể giúp cân bằng lại thể tích chất lỏng trong hệ tuần hoàn bị mất do chảy máu trong |
SHUTTERSTOCK |
Những nguyên nhân khác cũng có thể gây chảy máu trong là các vấn đề về đường tiêu hóa như loét dạ dày hay viêm đại tràng, bệnh máu khó đông, tăng huyết áp và tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc làm loãng máu, aspirin.
Các bộ phận thường bị chảy máu trong là bụng, ngực, ruột, não, cơ bắp, mắt, cổ họng, khớp xương và những khu vực gần xương bị gãy.
Triệu chứng của chảy máu trong có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có nhiều triệu chứng chung như chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược, buồn nôn, khó thở và da lạnh.
Vì mất nhiều máu nên khi đứng dậy có thể gặp tình trạng giảm huyết áp đột ngột, dẫn đến chóng mặt và mất thăng bằng. Người mắc cũng có thể bị nhức đầu cấp tính, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, giảm thị lực, tê và yếu một bên cơ thể.
Nếu không được điều trị kịp thời, chảy máu trong nghiêm trọng có thể gây suy nội tạng, nhịp tim tăng nhanh, mất phương hướng, đau ngực và co giật. Một số bệnh nhân có thể bị sốc, dẫn đến các triệu chứng như đổ nhiều mồ hôi, yếu, hôn mê.
Khi thấy các dấu hiệu bất thường trên, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện kiểm tra càng sớm càng tốt. Việc xác định chính xác vị trí chảy máu trong thường sẽ khó khăn. Để làm việc này, bác sĩ sẽ phải xem kỹ lịch sử y tế và kiểm tra thể chất.
Các xét nghiệm như chụp CT, chụp MRI sẽ đóng vai trò quan trọng giúp bác sĩ chẩn đoán. Ngoài ra, một số chẩn đoán khác cũng có thể được yêu cầu như điện tâm đồ, chụp X-quang, xét nghiệm máu, nước tiểu và nội soi. Những nơi thường cần dùng nội soi là phổi, thực quản, dạ dày, bàng quang và đại tràng. Trường hợp chảy máu trong nhiều thì cần phải phẫu thuật để cầm máu.
Để điều trị chảy máu trong, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi và tập trung kiểm soát triệu chứng. Nghỉ ngơi sẽ cho phép cơ thể có thời gian để tái hấp thu lượng máu thất thoát và giảm viêm.
Truyền tĩnh mạch với chất điện giải, huyết tương, máu và tiểu cầu sẽ giúp cân bằng lại thể tích chất lỏng trong hệ tuần hoàn mà bệnh nhân đã mất do chảy máu trong. Đồng thời, sự cân bằng này cũng giúp máu mang đủ ô xy đến cung cấp cho các tế bào khắp cơ thể, theo Medical News Today.
Bình luận (0)