Gừng được sử dụng rất đa dạng và linh hoạt trong đời sống hằng ngày. Chúng ta có thể dùng gừng tươi, bột gừng để làm món mặn, món ngọt hay món nước đều được, theo chuyên trang dinh dưỡng và sức khỏe Eat This, Not That! (Mỹ).
Trong 100 gram gừng có khoảng 2 gram chất xơ, 1,8 gram protein, 13 mg natri, 415 mg kali cùng các dưỡng chất khác như vitamin C, B6, sắt, magiê, chất chống ô xy hoá. Một trong những chất chống ô xy hoá mạnh của gừng là gingerol. Đây là chất có đặc tính chống viêm và giảm đau. Chính nhờ đó mà gừng trở thành một phương thuốc tự nhiên giúp giảm đau nhức cơ do hoạt động thể chất.
Gừng còn được biết đến với đặc tính tăng cường miễn dịch, chống buồn nôn và cải thiện các vấn đề tiêu hóa. Nhiều bằng chứng nghiên cứu cho thấy gừng giúp kiểm soát đầy hơi và hỗ trợ thức ăn đi qua dạ dày tốt hơn. Với tác dụng chống buồn nôn, gừng thực sự hữu ích với những người dễ bị say tàu xe.
Trạng thái tốt nhất của củ gừng là khi chúng còn tươi và mọng nước. Gừng tươi sẽ có vỏ mềm, phần thịt củ gừng chắc và căng. Nếu dùng tay bẻ thì thấy bên trong củ gừng mọng nước, thậm chí có thể bắn một ít nước ra ngoài. Trong trường hợp thịt củ gừng mềm thì có thể là dấu hiệu nó bắt đầu hỏng.
Một dấu hiệu khác giúp nhận diện gừng tươi là mùi hương nồng và có chút cay rất đặc trưng của gừng. Nếu chúng ta không nhận thấy mùi hương đó từ củ gừng, thậm chí bắt đầu có mùi chua thì chắc chắn rằng gừng đã bị hỏng. Lúc này, các dưỡng chất trong gừng đã không còn dồi dào như trước.
Quan sát màu sắc của vỏ gừng cũng là một dấu hiệu quan trọng giúp xác định gừng có tươi hay không. Lý tưởng nhất là vỏ gừng nên có màu nâu nhạt. Phần thịt bên trong gừng có màu vàng tươi. Tuy nhiên, nếu vỏ gừng xuất hiện các đốm màu vàng hoặc nâu sẫm thì đó là dấu hiệu đã bị hư hỏng.
Tương tự, nếu gừng trữ sẵn ở nhà khi gọt ra phát hiện chúng không còn màu vàng tươi nữa mà chuyển sang vàng sẫm thì tốt nhất là bạn nên vứt miếng gừng đó đi, theo Eat This, Not That!.
Bình luận (0)