Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, cả thủy đậu và đậu mùa khỉ đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus, đều lây qua tiếp xúc giọt bắn hô hấp kích thước to, tiếp xúc dịch tiết và lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh.
Thủy đậu và đậu mùa khỉ đều có các giai đoạn ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hồi phục. Cả hai có các diễn tiến tổn thương da giống nhau từ dát đến sẩn, mụn nước, mụn mủ, đóng mài, bong mài.
Nốt phát ban và mụn nước ở người bệnh đậu mùa khỉ |
shutterstock |
Tuy nhiên hai loại bệnh này có một số điểm khác nhau. Ở đậu mùa khỉ, phát ban mụn nước, mụn mủ cùng cùng thời điểm, diễn tiến chậm, xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục, hậu môn, có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng, để lại sẹo. Tổn thương thường lớn hơn thủy đậu. Đặc biệt, bệnh nhân có sốt và nổi hạch toàn thân.
Trong khi đó thủy đậu cũng là phát ban nhưng các tổn thương xuất hiện thời gian khác nhau, diễn tiến nhanh, xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra khắp cơ thể, thường ít để lại sẹo. Tổn thương nhỏ hơn đậu mùa khỉ. Bệnh nhân có sốt, mệt mỏi.
Chiều 3.10, Bộ Y tế công bố ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân nhiễm chủng Monkeypox virus thuộc clade 2b. Bệnh nhân là nữ, 35 tuổi, thường trú tại TP.HCM; khởi phát bệnh ngày 18.9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7.2022 đến 22.9.2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Ngày 25.9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Bình luận (0)