Dấu hiệu vào ban đêm cảnh báo bệnh tiểu đường đang nặng hơn

29/04/2024 20:02 GMT+7

Bệnh nhân tiểu đường sẽ thường xuyên đối diện với tình trạng đường huyết trong máu cao. Nếu đường huyết không được kiểm soát và ở mức cao trong thời gian dài sẽ làm tổn hại nhiều cơ quan. Khi đó, cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng và đó là cảnh báo bệnh đang nặng hơn.

Insulin là loại hoóc môn do tuyến tụy tiết ra có chức năng giúp tế bào hấp thụ đường glucose trong máu. Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, tuyến tụy không tiết đủ hoóc môn insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả. Cả 2 tình trạng này đều khiến đường huyết tăng cao, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Dấu hiệu vào ban đêm cảnh báo bệnh tiểu đường đang nặng hơn- Ảnh 1.

Tê bàn tay ở người bệnh tiểu đường là dấu hiệu cảnh báo dây thần kinh đang bị tổn thương

PEXELS

Kiểm soát đường huyết rất quan trọng ở bệnh nhân tiểu đường. Vì đường huyết cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương tim, thận, mắt, dây thần kinh và một số cơ quan khác. Trong đó, có một triệu chứng sẽ xuất hiện vào ban đêm và đó là chỉ dấu cho thấy bệnh đang nặng hơn.

Đường huyết cao trong máu thời gian dài sẽ làm tổn thương dây thần kinh, dẫn đến là bệnh thần kinh tiểu đường. Tình trạng này ảnh hưởng đến các dây thần kinh của cơ thể, chủ yếu là ở tay và chân.

Tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng mà cảm giác ngứa ran, đau tê sẽ xuất hiện ở bàn chân, cẳng chân hay bàn tay. Trong đó, thường gặp nhất là tình trạng tê sẽ bắt đầu ở ngón chân, sau đó lan dần lên bắp chân. Khi bệnh tiến triển, cảm giác tê này sẽ xuất hiện ở bàn tay.

Cảm giác tê ngứa trở nên trầm trọng hơn khi nghỉ ngơi, đặc biệt là vào ban đêm. Trong trường hợp nặng, cảm giác tê ngứa chuyển thành đau nhức, thậm chỉ chỉ cần chạm nhẹ cũng có thể khiến tay, chân vô cùng đau đớn.

Không những vậy, tình trạng tổn thương thần kinh này cũng gây ra một số vấn đề với hệ tiêu hóa, đường tiết niệu, mạch máu và tim. Một số người chỉ bị triệu chứng nhẹ, trong khi trường hợp nghiêm trọng lại gây đau đớn và ảnh hưởng lớn đến vận động.

Tuy nhiên, tin tốt là tập thể dục thường xuyên sẽ giúp kiểm soát đường huyết và góp phần quan trọng giúp điều trị bệnh thần kinh tiểu đường. Duy trì đường huyết trong máu tốt sẽ ngăn ngừa và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh thần kinh tiểu đường.

Bên cạnh tập thể dục thì chế độ ăn lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát đường huyết. Người bệnh cần hạn chế ăn các món có nhiều đường huyết và ưu tiên các món có chỉ số đường huyết thấp như trứng, khoai, đậu, rau xanh, gạo lứt, yến mạch, diêm mạch, các loại hạt và một số món khác, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.