Dấu hỏi 4.0 nhìn từ việc cấp giấy đi đường của Hà Nội

06/09/2021 16:24 GMT+7

Sáng nay 6.9, cảnh ùn tắc tại chốt kiểm soát vào “vùng đỏ” của Hà Nội đã khiến nhiều người liên tưởng đến ùn tắc tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) cách đây 2 tháng. Điều gì đang xảy ra với các giải pháp chống dịch của Hà Nội?

Chưa có hệ thống cấp QR Code tự động

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh, việc cấp giấy đi đường là “vấn đề mới, việc khó, chưa từng có tiền lệ”.
Còn theo chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thành phố đã giao Công an TP.Hà Nội tham mưu phương án cấp giấy đi đường cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đúng quy định, “áp dụng công nghệ thông tin, bảo đảm nhanh gọn, thuận tiện”.
Dù vậy, trong ngày đầu tiên áp dụng phân 3 vùng giãn cách “đỏ, cam, xanh” theo chỉ thị mới, Hà Nội vẫn chưa công bố bất kỳ phần mềm đăng ký giấy đi đường nào. Thủ tục cấp giấy đi đường của thủ đô so với đợt đầu giãn cách vào cuối tháng 7 được “công nghệ hóa” ở một phân đoạn duy nhất, là thay vì người dân, doanh nghiệp đến trực tiếp phường xã để nộp hồ sơ, thì nay, có thể gửi qua email.

Hàng ngàn người ùn ùn tiến vào “vùng đỏ” Covid-19 ở Hà Nội

Trong khi đó, theo Báo cáo xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2020 (Vietnam ICT Index 2020), chỉ số ICT Index của Hà Nội xếp thứ 6, tăng 2 bậc so với năm 2019.
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo một công ty công nghệ cho biết, việc thiết lập một phần mềm dùng chung cho người dân đăng ký và cơ quan chức năng phê duyệt không khó. Đơn cử như phần mềm cấp luồng xanh QR Code tự động, Tổng cục Đường bộ và Tập đoàn Viettel đã gấp rút xây dựng chỉ trong hơn nửa tháng.
Trước đó, sau hơn 1 tháng triển khai cấp “luồng xanh” thủ công qua hệ thống email, văn bản giấy gặp nhiều chậm trễ, khó khăn cho doanh nghiệp, cuối tháng 8.2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã triển khai cấp tự động QR Code luồng xanh trên hệ thống (https://vantai.drvn.gov.vn). Doanh nghiệp sẽ được duyệt khi đăng ký đầy đủ giấy tờ trên hệ thống, và tự in giấy luồng xanh có QR Code.
Với giấy đi đường, từ 3.9, TP.Đà Nẵng áp dụng cấp tự động trên hệ thống phần mềm tự động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đã đăng ký tự in giấy đi đường QR Code.

Cảnh ùn tắc sáng nay tại chốt kiểm soát trên đường Cầu Diễn, Q.Bắc Từ Liêm

Ảnh Đậu Tiến Đạt

Lo lây nhiễm từ các đám đông ùn tắc

Cảnh ùn tắc tại nhiều chốt kiểm dịch sáng nay 6.9 của Hà Nội khiến rất nhiều người lo lắng, ở cả 2 góc độ: một là lượng người ra đường còn quá lớn (Hà Nội chưa xử phạt theo giấy đi đường mới trong 2 ngày 6-7.9), hai là nguy hiểm từ các đám đông chờ đợi tại các chốt kiểm soát.
Nhìn từ góc độ dịch tễ học, theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vài chục đến cả trăm người dân tụ lại tại các chốt kiểm soát rất nguy hiểm.
“Hà Nội nguy cơ đang lặp lại những bài học của TP.HCM trước đây, cụ thể là cảnh ùn tắc tại các chốt kiểm soát của Q.Gò Vấp. Khoảng cách người dân đứng quá gần, tụ tập quá đông không đảm bảo giãn cách, lại đứng lâu để chờ kiểm tra giấy đi đường, không khác gì một ổ phát tán virus. Nếu chỉ xuất hiện 1 F0 thì khả năng lây lan cho 9 - 10 người là rất lớn. Những cảnh đông người trong bối cảnh cần giãn cách này là do công tác tổ chức, quản lý, quản trị kém”, TS Nga đánh giá.

Sẽ thí điểm cho người tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 được đi lại bình thường

Cần một tư duy quản trị

Trên thực tế, giấy đi đường không phải là việc mới, càng không phải là việc chưa có tiền lệ. Hà Nội đã có hơn 1 tháng để triển khai từ thời điểm giãn cách 24.7, nhưng tới nay vẫn rất loay hoay. 
Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, tình trạng của Hà Nội cũng là tình trạng chung của cả nước hiện nay. “Cái gì cũng có nhưng rời rạc mỗi thứ 1 tí. Địa phương nào, ngành nào cũng QR Code, nhưng QR Code Hà Nội không giống TP.HCM, hay Đà Nẵng. QR Code rất tốt, nhưng đang bị dùng như một trào lưu, trong khi quan trọng nhất là mục tiêu phải hiệu quả và nhanh nhất cho người dân, thuận tiện cho quản lý thì chưa rõ”, ông Liên nói. Cụ thể, việc cấp giấy đi đường tại Hà Nội dù có mã QR Code, nhưng vẫn "thủ công nối thủ công" từ khâu nộp hồ sơ đến kiểm tra trên đường, thì QR Code cũng chỉ để nói cho vui.
Cũng theo chuyên gia này, Hà Nội không thiếu nguồn lực và cũng không thiếu nhân tài công nghệ, cái thiếu là tư duy quản trị và tầm nhìn quản lý tổng thể. Câu chuyện luẩn quẩn giấy đi đường của Hà Nội hay quá nhiều app ứng dụng khai báo cho thấy sự thiếu vắng vai trò quản lý.
“Có cảm giác người quản lý đang chạy theo các vấn đề cụ thể, các vấn đề chịu sức ép, mà thiếu đi một tư duy quản trị chung. Giấy đi đường chỉ là một vấn đề nhỏ trong quản lý, còn cả quản lý việc tiêm vắc xin để tiến tới như giấy "thông hành xanh" cho mỗi cá nhân, việc quản lý di chuyển, check in tại các điểm đến... Nói cách khác, phải có bức tranh mục tiêu tổng thể, phân định rõ các giải pháp, từ đó mới đặt hàng các ứng dụng công nghệ, khuyến khích, huy động các doanh nghiệp công nghệ tham gia”, ông Liên nói.
Theo ông Liên, Covid-19 là câu chuyện cấp bách, để có 1 phần mềm tổng thể như các nước tiên tiến (như phần mềm Trace Together của Singapore) là không khả thi, do cần rất nhiều thời gian. Trong khi nhìn tổng thể mới thấy các ứng dụng hiện nay chỉ làm được từng phần, còn nhiều khoảng trống mục tiêu chưa triển khai.
“Nếu có một người chủ trì để lắp ghép các hệ thống này lại, trên nền tảng lớn nhất là cơ sở dữ liệu dân cư thì Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, có thể tận dụng hiệu quả được sức mạnh của công nghệ trong chống dịch, thay vì loanh quanh và lãng phí sức lực các khâu như hiện nay”, ông Liên đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.