Đậu hũ trong hẻm Sài Gòn chỉ bán 'giờ thiêng'; người người đứng, ngồi xổm chờ mua

09/06/2018 12:06 GMT+7

Một nồi đậu hũ đầy ắp nhưng chỉ vỏn vẹn trong 2 giờ đồng hồ là hết sạch. Khách tới liên tục nên bà Thôi bán chẳng bao giờ ngơi tay, trung bình mỗi đêm bán được khoảng 150 phần, lời từ 400.000 - 500.000 đồng.

Cái duyên với… đậu hũ
Xuất thân từ vùng quê miền Trung khô cằn đầy nắng gió, năm 1993, bà Trần Thị Thôi (khi ấy 25 tuổi, quê Quảng Ngãi) lúc bấy giờ đã quyết định “khăn gói” cùng chồng và con trai 1 tuổi vào TP.HCM mưu sinh, tìm kiếm những cơ hội mới.
VIDEO: Đậu hủ bán giờ thiêng, người người chờ mua

Bà Thôi cho biết trước khi đi bà cũng đã trằn trọc và suy nghĩ rất nhiều về chuyện sau khi vào thành phố sẽ làm gì, bán buôn ra làm sao để có tiền nuôi con lớn khôn và duy trì cuộc sống. Bà cũng được nhiều người thân, bạn bè gợi ý và giới thiệu cho nhiều nghề khác nhau.
Người thì khuyên bán cà phê, người thì bảo bán bánh mì, hủ tiếu nhưng cuối cùng bà lại chọn bán đậu hũ (hay còn gọi là tào phở) - một món ăn dân dã làm từ đậu nành của người Việt Nam đã có từ lâu đời. Chồng bà Thôi cũng xin được công việc làm thợ xây cho đến tận bây giờ.
Món ăn này không cầu kì, “sang chảnh” nhưng lại có gì đó không cưỡng lại được. Ngồi ăn vẫn được, đứng vẫn cứ xơi ngon lành. Ảnh: Tiến Huy
Nhiều người nhận xét đậu hũ của bà Thôi hợp khẩu vị, nước dừa béo và ăn khá vừa miệng. Ảnh: Tiến Huy
"Món này khá dễ làm, số vốn ban đầu bỏ ra không quá nhiều, hơn nữa đậu hũ đã quen thuộc với mọi người, giá thành lại rẻ nên ai cũng có thể thưởng thức được", bà Thôi nói về lý do khiến bà gắn bó với gánh đậu hũ.

Theo lời bà Thôi, những ngày đầu vào TP.HCM cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vì còn “lạ nước lạ cái” nên bà phải đi bán khắp nơi để tìm kiếm khách và cũng vì gánh đi nhiều nên bà bị thoái hóa cột sống, đau thần kinh tọa ngày càng nặng hơn. Dù cố gắng nhưng được 11 năm thì bà không thể gánh được nữa nên buộc phải bán cố định một nơi.
“Tôi bán đến nay cũng được 26 năm rồi, lúc trước gánh đi bán khắp khu Bình Thạnh, Phú Nhuận… Từ ngày ngồi một chỗ bán ở đây tôi sợ sẽ vắng khách nhưng may sao lại có nhiều khách quen thường xuyên đến ăn”, bà Thôi tâm sự.
Cũng vì sức khỏe yếu không làm được những việc nặng nhọc nên ban ngày bà Thôi chỉ ở nhà lo chuyện bếp núc, loanh quanh cơm nước cho chồng con, đến chiều khoảng 17 giờ, bà bắt đầu xay đậu nành, làm bột, nấu đường, nấu bột năng để tạo thạch…
Sau khi cơm nước xong, đều đặn 21 giờ 15 bà Thôi cùng gánh đậu hũ lại “có mặt” ở lề đường trong con hẻm nhỏ của đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh). Đó cũng là lý do vì sao bà Thôi lại đi bán vào khung giờ “kì cục” như thế này.
Tuy trời mưa nhưng nhiều bạn trẻ vẫn không ngại xa xôi để đến đây ăn đậu hũ. Ảnh: Tiến Huy
Vỏn vẹn 6.000 đồng 1 chén, ăn đã thấy no nhưng phần đông ai cũng ăn 2 chén vì chưa “đã thèm” Ảnh: Tiến Huy
Bà Thôi cho biết bà cũng đang dự định và tích cóp thêm để thuê mặt bằng khu vực xung quanh đây bán cho tiện, có chỗ cho khách che mưa. Quán cũng không cần phía ngoài đường lớn vì nhiều bạn trẻ đã quen chạy vô hẻm này rồi, thuê phía trong để tiết kiệm chi phí mà còn chẳng mất công khách quen phải đi tìm, hỏi han…
“TP.HCM vào mùa mưa rồi, mấy hôm nay đang bán thì thường xuyên gặp trời mưa nên khách vào ăn hơi bất tiện và không thoải mái lắm, thậm chí có người mặc áo mưa ngồi chịu ướt để ăn luôn”, bà Thôi kể.
Muốn được thưởng thức chén đậu hũ nóng hổi bạn sẽ phải chờ khá lâu, khoảng 10 - 15 phút mới có. Ảnh: Tiến Huy
Chén đậu hủ nóng hổi, nhìn thôi đã thấy muốn thử ngay. Ảnh: Tiến Huy
2 tiếng là hết sạch
Một nồi đậu hũ đầy ắp nhưng chỉ vỏn vẹn trong 2 giờ đồng hồ là hết sạch nên bà Thôi chẳng bao giờ ngơi tay, trung bình mỗi đêm bán được khoảng 150 phần, lời từ 400.000 - 500.000 đồng. Bà chia sẻ: “Cũng nhờ gánh đậu hũ này mà cuộc sống của tôi phần nào đỡ vất vả hơn trước, nuôi 2 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Giờ thỉnh thoảng tụi nhỏ cũng hay ra phụ giúp, chứ nói thật một mình tôi loay hoay không xuể”.
Em Phan Thị Kim Trúc (19 tuổi, con gái bà Thôi) tâm sự rằng ngoài giờ học trên trường, Trúc còn phải đi làm thêm ở quận 5 để trang trải sinh hoạt trong gia đình nên thường xuyên về nhà muộn. Tuy vậy, ngày nào không đi làm ca tối Trúc đều giúp mẹ bán đến khuya. “Khách thì hầu như hôm nào cũng đông, mưa gió vẫn thế. Dù có hơi mệt nhưng em vẫn thích phụ bán với mẹ lắm, giúp được mẹ chừng nào là em cảm thấy vui chừng đó”.
Cứ hết nhóm người này đi, lượt khách khác lại tới, đến khi nào đậu hũ “chạm đáy” mới thôi. Ảnh: Tiến Huy
Thậm chí mưa rất to nhưng vẫn không ngăn được “tình yêu đậu hũ” Ảnh: Tiến Huy
Càng về khuya mưa bắt đầu nặng hạt hơn nhưng khách đến ăn vẫn không hề giảm. Nhiều bạn trẻ không chỉ ăn một chén mà khi nào cũng phải là “số nhiều”.
Bạn Nguyễn Ngọc Thụy Uyên (22 tuổi, Bình Thạnh), một vị khách “ruột” của gánh đậu hũ này chia sẻ: “Một tuần mình đến đây ít nhất là 3 lần, mỗi lần phải ăn 2 chén mới đã thèm. Chẳng biết khi nào mà mình lại nghiện món đậu hũ của cô Thôi nữa, từ lúc sinh viên đến nay đã ra trường đi làm mình không biết đã ăn bao nhiêu chén rồi” (cười).
Bà Thôi không có một phút ngơi tay vì khách khá đông Ảnh: Tiến Huy
Mỗi buổi bà Thôi bán được khoảng 150 chén, lời từ 400 - 500.000 đồng Ảnh: Tiến Huy
Còn anh Nguyễn Chiến Thắng (23 tuổi, quận 12) hào hứng cho biết, là con trai nhưng bạn ấy lại rất “khoái” món này, mặc dù ở tận quận 12 và đường đi hơi vòng vèo nhưng vẫn sẵn sàng “lặn lội” sang tận Bình Thạnh chỉ để ăn đậu hũ. “Món đậu hũ thì ở Sài Gòn này nhiều lắm, nhưng không hiểu sao mình chỉ thích ăn của cô Thôi, thạch ngon, vị nước dừa béo và đậu hũ có mùi thơm đặc trưng”.
Gánh đậu hũ đối với bà Thôi không chỉ để tăng thêm thu nhập mà còn chất chứa nhiều kỉ niệm khi mới “chân ướt chân ráo” vào TP.HCM lập nghiệp. Qua bao nhiêu năm, gánh đậu hũ đã được nhiều người biết đến, phần đông đã trở thành khách hàng quen thuộc. Món ăn của tuổi thơ, của những kí ức thời chân đất tắm mưa mà không ai có thể quên được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.