Cơ may đến khi tôi được hội ngộ cùng vợ chồng Đào Vũ Thị Tuyết và Đào Trọng Thành (ngụ tại Sursee, Lucerne, Thụy Sĩ). Sau đó là những lần trò chuyện lâu hơn, để hiểu hơn về hành trình thành công của họ nhờ vào món ăn quen thuộc của người Việt.
“Chế” cối xay làm đậu hũ
Vào một ngày đầu năm 1984, mẹ anh Thành bỗng thấy nhớ món đậu hũ (đậu phụ) quê nhà, nhưng muốn ăn phải… chạy qua Pháp để mua. Vậy là bà quyết định tự làm. Có thành phẩm, bà chia sẻ cho những người hàng xóm, ai cũng khen ngon. Vậy là vợ chồng anh Thành chị Tuyết quyết định làm thêm để bán trong làng.
Để làm đậu hũ ở nơi xa xứ, họ mua xi măng về tự đúc chiếc cối giống như cối đá ở quê để xay đậu nành. Khi làm ít thì nhiều người mua, nhưng lúc thành phẩm nhiều hơn thì lại phải đi tìm nơi phân phối, nhưng không dễ. Thoạt đầu, họ gửi gắm từng cửa tiệm để mọi người “làm quen”. Năm 1995, vợ chồng chị quyết định “làm ăn lớn”. Họ khuếch trương sản phẩm, làm xưởng để đảm bảo mọi tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của người Thụy Sĩ trong sản xuất thực phẩm. Sản xuất nhiều, họ tuyển dụng thêm 5 - 6 nhân công, công việc kinh doanh cũng bài bản hơn.
“Những ngày đó không có internet để giới thiệu, mỗi ngày tôi và chồng mang sản phẩm đi tiếp thị ở nhiều nơi. Không ít lần thất bại trong tiếp thị, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nản lòng, cứ âm thầm gầy dựng. Có khi chạy xe vài tiếng đồng hồ chỉ để mang 1 - 2 kg đậu hũ đến ký gửi cửa hàng. Rồi nhờ người quen giới thiệu... Cũng mất chừng vài năm thì nhiều cửa hàng mới biết đến mình, và khi tạo dựng được uy tín thì ngày càng nhiều người gọi điện đặt hàng”, chị Tuyết nhớ lại.
Cần mẫn và chăm chỉ, cộng với chất lượng sản phẩm, thương hiệu đậu hũ OB Thuy (gọi tắt của “ông bà Thủy”, tên của ba mẹ anh Thành) đã có mặt ở cửa hàng, siêu thị lớn tại Zurich, Basel, Bern và nhiều vùng khác của Thụy Sĩ. Mỗi ngày, công ty của anh chị làm ra hơn nửa tấn đậu và tất cả đều đã được đặt hàng từ trước.
80% sản phẩm cung cấp cho người Thụy Sĩ
Ban đầu, đậu hũ OB Thuy hướng đến khách hàng người Việt tại Thụy Sĩ. Nhưng thật kỳ lạ, hiện tại khách hàng của vợ chồng Thành - Tuyết lại có đến 80% là người Thụy Sĩ.
Những khách hàng người Thụy Sĩ đều khen ngon mỗi khi được hỏi về món đậu hũ của anh chị Tuyết. Miếng đậu mịn, dậy mùi đậu, khi nấu nướng chế biến không hề bị tách nước mà vẫn giữ nguyên, không như món đậu hũ của người địa phương ở Thụy Sĩ làm thường bị cứng và vữa.
“Để chinh phục khách hàng và làm ra sản phẩm chất lượng được kiểm định gắt gao theo tiêu chuẩn Thụy Sĩ, thật không dễ dàng. Nên khi được nhiều người Thụy Sĩ đón nhận, vợ chồng tôi rất hạnh phúc!”, anh Thành chia sẻ. May mắn cho anh chị, món đậu hũ ở Thụy Sĩ ngày càng được lựa chọn nhiều hơn do có sự thay đổi trong thói quen ăn uống của người bản địa. Họ chọn đậu hũ để giảm bớt phô mai, đảm bảo chế độ ăn kiêng thuần túy. Chính vì vậy, nhiều nhà hàng tìm đặt đậu hũ OB Thuy, đưa vào thực đơn. “Nhiều khi vào nhà hàng, gọi món ăn có đậu hũ, ăn một miếng biết ngay đậu hũ nhà mình làm, lúc đó thật hạnh phúc”, chị Tuyết tâm sự.
|
Đến giờ, khi đã là một trong những người Việt tạo dựng được sự nghiệp vững vàng ở đất nước đắt đỏ nhất thế giới, con cái thành công trong việc học tập (có con trai là tiến sĩ), vợ chồng chị Tuyết vẫn xuống xưởng để cùng công nhân tự tay làm món đậu hũ mỗi ngày. Họ vẫn thay nhau lái chiếc xe tải đông lạnh đi các vùng để giao hàng.
“Mình đích thân làm thì mới có thể kiểm soát hết các khâu, đảm bảo chất lượng sản phẩm làm ra, không để bất cứ sơ suất gì ảnh hưởng đến khách hàng. Còn đi giao hàng là để nắm bắt thêm yêu cầu, đề nghị của khách hàng, để bắt kịp xu hướng kinh doanh. Làm kinh doanh mà không nắm bắt được mấy điều đó thì… tiêu. Con cái thì chưa đủ kinh nghiệm để tiếp quản, nên mình chưa nghỉ… hưu được!”, chị Tuyết cười xòa.
Bình luận (0)