Khoảng 23 giờ ngày 4.10 (giờ Việt Nam), tất cả dịch vụ của Facebook gồm mạng xã hội cùng tên, Messenger, Instagram, WhatsApp đều không thể truy cập trên phạm vi toàn cầu. Tại thời điểm này, trang DownDetector hiển thị số lượng báo cáo Facebook lỗi tăng đột biến bằng biểu đồ dựng đứng và kéo trong thời gian dài.
Tình trạng mất kết nối diễn ra toàn cầu, liên quan tới DNS mà Facebook sử dụng |
chụp màn hình |
Sự cố bắt đầu được báo cáo từ khoảng 22 giờ 30 cùng ngày với hàng chục nghìn lượt phản hồi từ Mỹ, Indonesia, Ấn Độ và tới hơn 23 giờ, DownDetector ghi nhận hơn 120.000 báo cáo không thể truy cập các dịch vụ Facebook. Đi kèm với đó, một số dịch vụ trực tuyến có sử dụng liên kết tài khoản với mạng xã hội này dường như cũng “vạ lây”. Niantic, nhà phát triển game Pokémon Go cho biết đang xem xét báo cáo lỗi liên quan đến việc đăng nhập từ người dùng.
Facebook, Instagram, WhatsApp đồng loạt ngừng hoạt động |
Lập trình viên Jane Manchun Wong cho biết các hệ thống như Facebook Workplace (cho doanh nghiệp), trang nội bộ của hãng… cũng gặp lỗi. Phát ngôn viên Facebook Andy Stone xác nhận: “Chúng tôi có ghi nhận tình trạng người dùng gặp sự cố truy cập vào ứng dụng và sản phẩm của Facebook và đang nỗ lực để đưa mọi thứ trở lại bình thường”.
Một số nguồn tin cho biết ngay tại nội bộ hãng, việc sập kết nối cũng phá vỡ tình trạng liên hệ và làm việc của các nhân viên. Họ phải trao đổi với nhau qua email, hoặc sử dụng các công cụ thay thế như Google Docs, Zoom…
Lúc này, mạng xã hội lớn thứ 2 thế giới là Twitter trở thành công cụ được nhiều người sử dụng, không chỉ để chia sẻ về tình trạng không vào được dịch vụ của Facebook mà còn để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra với nền tảng hơn 2 tỉ người dùng. Trên Twitter, hashtag #DeleteFacebook nhanh chóng xuất hiện trong danh mục thịnh hành.
Biểu đồ báo lỗi dựng đứng trên DownDetector |
chụp màn hình |
Bản thân Facebook cũng phải dùng tài khoản chính thức của mình trên Twitter để thông báo về tình trạng không thể kết nối, tuy nhiên không đề cập tới nguyên nhân.
Các kỹ sư Facebook nhanh chóng được đưa đến nhiều trung tâm dữ liệu khác nhau của công ty để kiểm tra. Chuyên gia bảo mật Brian Krebs cho rằng sự cố không phải là hậu quả của một cuộc tấn công mã độc, thay vào đó xuất phát từ một bản cập nhật định kỳ bị lỗi nên đã xóa sạch thông tin định tuyến DNS (máy chủ tên miền) mà Facebook cần.
Phóng viên Jim Salter của ArsTechnica cũng dẫn nguồn tin xác nhận lỗi bắt nguồn từ DNS Facebook sử dụng. Máy chủ tên miền là cấu trúc đặt tên hình thành cơ sở hạ tầng của một website. Nếu mất DNS, mạng internet sẽ không thể biết phải tìm tên miền mà người dùng đang cố gắng truy cập ở đâu.
Ghi nhận từ các lần sập mạng cho thấy vụ việc ngày 4.10 là sự cố nghiêm trọng nhất mà Facebook từng trải qua kể từ năm 2019. Ở thời điểm đó, một vấn đề xảy ra đã khiến bản web Facebook không thể truy cập trong 24 giờ đồng hồ.
Facebook bị tố cáo lợi dụng nội dung gây tranh cãi để kiếm tiền |
Sự cố không chỉ gây ảnh hưởng tới hàng tỉ người dùng mà còn khiến cổ phiếu Facebook tụt gần 5%, tiếp nối đợt giảm 15% từ giữa tháng 9. Nhiều nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu của mạng xã hội này.
Mức giảm trong ngày 4.10 vì sự cố mất kết nối khiến tài sản của Mark Zuckerberg mất hơn 6 tỉ USD, hiện còn 121,6 tỉ USD, trực tiếp kéo CEO Facebook xuống 1 hạng trên bảng danh sách những người giàu nhất thế giới của Bloomberg. Chỉ trong vài tuần gần đây, khối tài sản của Mark đã hụt gần 20 tỉ USD.
Bình luận (0)