Đâu là tình trạng mà 70% người mắc Covid-19 kéo dài gặp phải?

22/03/2022 08:01 GMT+7

Một nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) vừa chỉ ra cứ 10 người mắc hội chứng Covid-19 kéo dài thì 7 người gặp phải các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung trong vài tháng sau khi khỏi bệnh.

Nghiên cứu đăng tải trên chuyên trang Frontiers in Aging Neuroscience (tạm dịch: Biên giới trong Khoa học thần kinh lão hóa) được tiến hành thực hiện với các bệnh nhân có hội chứng Covid-19 kéo dài (tức là các triệu chứng vẫn kéo dài nhiều tháng sau khi khỏi bệnh, còn được gọi vắn tắt là hậu Covid-19).

78% số người tham gia nghiên cứu khai báo gặp phải tình trạng khó tập trung, 69% bị hội chứng sương mù não, 68% hay quên, 60% gặp khó khăn trong việc tìm đúng từ để nói hoặc diễn tả ý mình muốn nói. Những triệu chứng này sau đó đã được xác nhận qua các bài kiểm tra nhận thức.

shutterstock

Người tham gia đã thực hiện một số nhiệm vụ để đánh giá khả năng ghi nhớ từ ngữ, hình ảnh và khả năng ra quyết định. Kết quả cho thấy số điểm về khả năng ghi nhớ từ ngữ và hình ảnh của những người bị các triệu chứng hậu Covid-19 thấp hơn đáng kể so với nhóm đối chứng.

Nghiên cứu chỉ ra bệnh nhân Covid-19 nặng có khả năng mắc các triệu chứng Covid-19 kéo dài cao hơn các ca bệnh nhẹ. Biểu hiện của Covid-19 kéo dài thường là buồn nôn, đau bụng, tức ngực và các vấn đề về hô hấp trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi khỏi bệnh.

“Mọi người nghĩ rằng hậu Covid-19 chỉ là mệt mỏi hoặc ho. Nhưng các vấn đề về nhận thức là triệu chứng phổ biến thứ hai”, tiến sĩ Lucy Cheke, tác giả cao cấp của nghiên cứu, cho biết.

Kết quả nghiên cứu góp thêm vào các bằng chứng ngày càng tăng cho thấy Covid-19 có tác động đến não, theo thông cáo trên trang web chính thức của Đại học Cambridge.

Trước đó, vào tháng 1.2022, các nhà khoa học tại Đại học Washington (Mỹ) cũng chỉ ra bệnh nhân Covid-19 có hơn 60% nguy cơ mắc phải những vấn đề về tinh thần và cảm xúc kéo dài 1 năm sau khi nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định tiêm chủng đầy đủ giúp làm giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề trên.

Chia sẻ trên The Irish Times, các nhà khoa học Úc gợi ý người nhiễm Covid-19 nên tập thể dục để hỗ trợ quá trình bình phục. Các bài tập được gợi ý là yoga (ảnh), chống đẩy và đi bộ.

“Quá trình hồi phục của mỗi người là khác nhau. Luôn kiểm tra để chắc chắn bạn không luyện tập quá sức. Việc kiểm soát căng thẳng và lo lắng rất quan trọng cho quá trình phục hồi hậu Covid-19”, bác sĩ Robert Newton, giáo sư y học thể dục thể thao tại Đại học Edith Cowan (Úc), cho biết.

Cách đối phó sương mù não

Sương mù não không phải là một tình trạng bệnh lý cụ thể mà là một thuật ngữ để chỉ các triệu chứng liên quan đến suy nghĩ và trí nhớ.

Đa số người mắc phải tình trạng sương mù não hậu Covid-19 có thể cảm thấy thiếu minh mẫn, khó tập trung, mất nhiều thời gian hơn khi nhớ tên một ai đó hoặc thường bất chợt quên việc mình định làm…, theo trang Verywell Mind.

Tiến sĩ Jacqueline H.Becker, nhà khoa học thuộc Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai (New York, Mỹ), cho biết đa số người gặp tình trạng này còn khá trẻ và khỏe mạnh. Tuổi trung bình của họ là 49 và hầu hết đều không mắc các bệnh nền như đái tháo đường và tăng huyết áp.

Tiến sĩ Becker cho biết nguyên nhân dẫn đến sương mù não có thể do SARS-CoV-2 (vi rút gây bệnh Covid-19) xâm nhập trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương và thậm chí trở thành vi rút gây viêm mãn tính. Chính vì vậy, việc tiêm vắc xin để giảm nguy cơ trở nặng, hạn chế các di chứng hậu nhiễm Covid-19 là rất quan trọng.

Hội đồng toàn cầu về sức khỏe não bộ khuyến nghị nên tập thể dục thường xuyên, luyện kích thích nhận thức bằng các câu đố, trò chơi, ứng dụng rèn luyện trí não, hoặc học một ngôn ngữ mới. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo ngủ đủ giấc. Việc luôn giữ kết nối xã hội và tương tác với cộng đồng cũng góp phần tăng khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ.

Đặng Phượng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.