Giải pháp chống bóng bổng
Trong các hạn chế của đội tuyển nữ Việt Nam khi bước ra sân chơi lớn thì bóng bổng luôn là điểm yếu khiến các cô gái phải nhận nhiều bàn thua không đáng. Thể hình khiêm tốn của các học trò HLV Mai Đức Chung luôn gặp bất lợi khi tham gia các giải châu Á hay World Cup. Ngay cả khi gặp một đối thủ trong khu vực nhưng có nhập tịch vài cầu thủ to cao, dù trình độ không quá xuất sắc, như đội tuyển nữ Philippines, thì hàng thủ Việt Nam vẫn để lộ ra rất nhiều yếu kém, dẫn đến bị khai thác khá dễ dàng. Nói cách khác, chúng ta thiếu giải pháp chống bóng bổng một cách hiệu quả.
Điển hình như trận vòng bảng SEA Games 32 tại Campuchia vừa qua, đội tuyển nữ Việt Nam có thể thắng các đối thủ khác rất "ngọt" nhưng lại để thua Philippines 1-2 với một bàn từ chấm phạt đền và bàn quyết định là từ cú đánh đầu của đối thủ. Nguyễn Thị Thúy Nga, Lê Thị Diễm My hay Trần Thị Thu (sau này có thêm Lương Thị Thu Thương hay kéo Trần Thị Hải Linh về), những trung vệ được HLV Mai Đức Chung dày công xây dựng ở thời điểm đó, như bị mất hút khi đối thủ nhảy lên đánh đầu.
Soi thực lực 3 đối thủ Mỹ, Hà Lan, Bồ Đào Nha của ĐT nữ Việt Nam ở World Cup 2023
Rõ ràng khả năng tranh chấp, chọn vị trí, phán đoán bóng bổng cũng như tổ chức bắt người khi bật nhảy của hàng thủ nữ Việt Nam còn rất thiếu đồng bộ, đôi khi sơ hở hay mất tập trung. Mới đây, ở trận giao hữu thua tuyển Đức 1-2, bàn thua thứ 2 của Hoàng Thị Loan và đồng đội chính là từ một pha chuyền bóng bằng đầu của đối thủ trong khi hàng thủ Việt Nam có vẻ như chưa sẵn sàng và bị giật mình để lộ khoảng trống cho đội đang xếp thứ hai thế giới khai thác.
Cần tìm thủ lĩnh hàng thủ
Chương Thị Kiều từ lâu đã được mặc định là người chỉ huy hàng phòng ngự nhờ tầm bao quát và kinh nghiệm thi đấu dày dạn của cô. Tuy nhiên chấn thương dai dẳng đã khiến trung vệ đến từ TP.HCM đánh mất vị trí, buộc ông Chung phải thử nghiệm nhiều nhân tố mới. Nhưng có vẻ như chưa ai đủ khả năng và bản lĩnh để tổ chức một cách linh hoạt hệ thống phòng ngự của đội hình 3-5-2 hoặc 3-4-3 của Việt Nam. Đây là vấn đề đang gây đau đầu cho HLV Mai Đức Chung. Như Trần Thị Thu (32 tuổi) hay Thu Thảo (30 tuổi) được xem là có quá trình thi đấu xuyên suốt nhiều năm qua, nhưng khi đặt vào vị trí của Kiều vẫn chưa thể tạo sự an tâm. Diễm My cũng chỉ chơi tròn vai, chưa thể đóng vai trò chỉ huy. Các nhân tố trẻ như Hải Linh, Thu Thương hay Thúy Nga vẫn cần thời gian để khẳng định.
Hy vọng tới World Cup 2023 Chương Thị Kiều có thể trở lại để tăng sự ổn định, đồng thời cũng là một trong những miếng chiến thuật tổ chức từ chống phản công sang phản công như cách Kiều dâng lên ghi bàn ở trận thắng Đài Loan 2-1 hồi Asian Cup 2022 tại Ấn Độ để giành vé đi World Cup.
Nhưng ảnh hưởng của chấn thương phải nghỉ thời gian dài chắc chắn vẫn còn tác động đến ngôi sao số 1 của hàng thủ Việt Nam nên rất cần HLV Mai Đức Chung xây dựng cho được người thay thế xứng đáng. Trong số 5 trung vệ (ngoài Chương Thị Kiều) mang đến New Zealand lần này, ông Chung đã xây dựng Thu Thương - Diễm My và Trần Thị Thu ở trận giao hữu gặp Đức.
Top 5 ngôi sao của đội tuyển nữ Việt Nam được FIFA đánh giá cao nhất
Họ chơi rất nỗ lực nhưng rõ ràng vẫn gặp nhiều thách thức lớn đến từ đối thủ trên tầm. Trong lúc này, nếu chưa thể tìm ra thủ lĩnh thay Chương Thị Kiều thì yêu cầu đối với bộ ba trung vệ này là phải hết sức tự tin, tổ chức bắt người và bọc lót thật tốt, chỉ huy 2 biên cũng như tiền vệ phòng ngự đánh chặn từ xa thật hiệu quả và quan trọng là phải thật tập trung và vững vàng về tâm lý. Được vậy thì dần dần chúng ta sẽ có thể cải thiện khả năng chống bóng bổng và đủ sức để hướng đến World Cup lâu dài hơn.
Bình luận (0)