Đau lắm, nhưng gia đình tự hào về Hiệp...

07/08/2013 10:15 GMT+7

(TNO) “Em nó còn trẻ quá. Đau lắm các bác ơi”, ông Trần Hữu Trọng (bố anh Trần Hữu Hiệp) mếu máo. Rồi ông kéo vạt áo lên lau hai khóe mắt đã cạn khô vì khóc người con trai út vừa mới tử nạn trong vụ lật ca nô thảm khốc vào tối 2.8 ở biển Cần Giờ, TP.HCM.

(TNO) “Em nó còn trẻ quá. Đau lắm các bác ơi”, ông Trần Hữu Trọng (bố anh Trần Hữu Hiệp) mếu máo. Rồi ông kéo vạt áo lên lau hai khóe mắt đã cạn khô vì khóc người con trai út vừa mới tử nạn trong vụ lật ca nô thảm khốc vào tối 2.8 ở biển Cần Giờ, TP.HCM.

Nỗi đau người ở lại

Từ hôm nghe tin Hiệp bị tử nạn, trong căn nhà tuềnh toàng của vợ chồng ông Trần Hữu Trọng và bà Nguyễn Thị Thìn (cha mẹ của Trần Hữu Hiệp, ở thôn 4, xã Thạch Long, H.Thạch Thành, Thanh Hóa) lúc nào cũng đông đúc bà con chòm xóm và anh em họ hàng đến chia buồn.

Ông Trọng như người mất hồn, cứ ngồi bất động hàng giờ ở góc sân. Còn bà Thìn gần như quỵ hẳn. Đã mấy lần bà hụt hơi, ngất lịm đi. Lúc nào tỉnh dậy, bà lại gọi tên con gào khóc: “Ông trời ơi, sao không để tôi chết thay cho thằng Hiệp…”, tiếng khóc trong tiếng hụt hơi của bà Thìn nghe càng thêm ai oán.

Ngồi bần thần trước tấm di ảnh của em trai, anh Trần Hữu Đạt (anh đầu của Hiệp) ngậm ngùi: “Trong nhà Hiệp là đứa em hiền lành, chịu khó làm ăn và hiếu thuận với bố mẹ lắm. Tết vừa rồi em nó về quê khoe là công việc đã ổn định, lương tháng cũng tạm ổn. Nó nói cũng tích cóp được ít tiền, định mang về biếu bố mẹ... Tôi cũng động viên nó cố gắng làm ăn, ở nhà bố mẹ đã có các anh chăm sóc, nên nó đi làm ăn xa cũng yên tâm. Ai ngờ giờ nó đã đi mãi mãi…”.

Sáng 6.8, người dân quanh vùng, đại diện chính quyền địa phương, Huyện đoàn Thạch Thành và bạn bè đã tập trung về gia đình ông Trọng ở để tiễn đưa anh Trần Hữu Hiệp về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đúng 9 giờ 30, chiếc xe chở thi thể anh Hiệp đã vượt quãng đường hàng nghìn km đưa anh về với mẹ. Nhìn cảnh ông Trọng và bà Thìn khóc đến lả người khi chạm đôi tay chai sạn vào chiếc quan tài của người con út, nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Ai cũng thương cảm cho cái chết đột ngột của Hiệp. Và khi được nghe kể về những hành động cứu người của anh trước khi chết, tất cả mọi người đều bày tỏ niềm cảm phục về sự hy sinh của chàng thanh niên Trần Hữu Hiệp.

Xả thân cứu người

Anh Nguyễn Văn Sơn (anh họ của Hiệp) hiện đang công tác ở Đồng Nai, kể lại, ngay sau khi nhận được hung tin, anh đã lập tức xuống Vũng Tàu với một niềm hy vọng mong manh rằng Hiệp bơi rất khá, nên thể nào cũng sẽ biết cách tự cứu mình trong sóng nước.

Nhưng niềm hi vọng mong manh ấy đã không thành sự thật. Cho đến khi cơ quan và gia đình chuẩn bị đưa thi thể Hiệp về quê, một phụ nữ tên Thu đã chạy tới gào khóc, kể về những hành động dũng cảm của Hiệp. Lúc này, mọi người mới biết đến những khoảnh khắc cuối đời của Trần Hữu Hiệp.

“Cô ấy kể rằng khi ca nô bị tai nạn, Hiệp đã cố gắng cứu được hai người đàn ông và một người phụ nữ đang mang thai. Sau đó chính Hiệp đã cởi áo phao nhường cho người phụ nữ này rồi tiếp tục ngụp lặn trong dòng nước tìm cứu chị Thu. Khi đẩy được chị Thu bám vào chiếc ca nô bị lật thì cũng là lúc Hiệp đuối sức và bị sóng cuốn trôi…”, anh Sơn kể.

Đau lòng là thật không may, người phụ nữ được Hiệp nhường áo phao ấy, cũng đã tử nạn sau đó do bị mắc kẹt trong chiếc ca nô.

 
Di ảnh của anh Trần Hữu Hiệp

 
Ông Trần Hữu Trọng: Dù đau đớn, nhưng tôi tự hào về Hiệp

 
Người thân đau buồn sau sự ra đi của anh Hiệp

 
Anh Trần Hữu Đạt kể về người em ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó

 
Đại diện Tỉnh đoàn Thanh Hóa thắp hương viếng người thanh niên dũng cảm

 
Tổ chức Đoàn đã kịp thời có mặt, chia buồn, động viên gia đình Hiệp

Dù đau đớn, nhưng gia đình tự hào về Hiệp

Nói về cái chết, về hành động nhường áo phao của con trai để cứu người khác trong cơn hoạn nạn, ông Trọng nghẹn ngào: “Em nó còn trẻ quá, lại phải xa gia đình đi làm ăn xa, giờ lại chết ở nơi đất khách quê người thế này. Đau lắm các bác ơi. Nhưng dù đau đớn, tôi và gia đình tự hào về Hiệp. Nó đã sống không vô ích”.

Chị Lê Thị Nhung, Bí thư đoàn xã Thạch Long, cho biết Hiệp là con út trong gia đình có 3 anh em trai. Tốt nghiệp THPT, Hiệp theo học nghề cơ khí tại Trường CĐ hóa chất Việt Trì sau đó ra trường bươn chải kiếm sống. Sau một thời gian làm việc ở Hà Nội, Hiệp vào Đà Nẵng rồi sau đó vào tận miền Nam làm công nhân tại Công ty CP sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam.

Mặc dù, phải đi làm ăn xa, không có nhiều thời gian sinh hoạt Đoàn, Hội tại địa phương, nhưng đối với mọi người trong làng, trong xã và nhất là bạn bè đồng trang lứa, ai cũng quý mến Hiệp bởi đức tính hiền lành, chịu thương chịu khó của anh.

Anh Phạm Trọng Dũng, Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, nói: “Trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo giữa cái sống và cái chết, Hiệp đã làm được một điều mà chắc chắn nhiều người không làm nổi, đó là tự nhường đi cơ hội sống sót của mình cho người khác. Đây là hành động hết sức cao đẹp của người thanh niên Trần Hữu Hiệp. Tuổi trẻ xứ Thanh tự hào vì anh”.

Ngọc Minh
(thực hiện)

>> Vụ chìm tàu kinh hoàng: Tìm được 2 thi thể
>> Vụ chìm tàu kinh hoàng: 9 giờ chống chọi tử thần giữa biển khơi
>> Vụ chìm tàu kinh hoàng: Chuyển 14 nạn nhân lên tuyến trên điều trị
>> Vụ chìm tàu kinh hoàng ở Cần Giờ: Tiếng kêu cứu giữa biển dữ
>> Chìm tàu tại khu vực biển Cần Giờ, 9 người mất tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.