Đau lưng dưới bên trái có thể là do một số vấn đề sức khỏe gây ra. Dưới đây là những nguyên nhân gây đau lưng dưới bên trái thường gặp.
Căng cơ, sỏi thận đều có thể gây đau lưng dưới bên trái |
SHUTTERSTOCK |
Căng cơ hoặc bong gân
Hầu hết các cơn đau lưng dưới, kể cả chỉ đau bên trái, là do căng cơ, tổn thương gân hay dây chằng. Nguyên nhân gây tổn thương có thể do một chấn động nào đó nhưng cũng có thể do các tình huống vận động hằng ngày, chẳng hạn như cúi người, mang vác vật nặng sai tư thế, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Nguyên nhân gây đau lưng dưới cũng có thể do đứng hoặc ngồi trong thời gian dài. Vì lưng nâng đỡ toàn bộ cơ thể nên cơ, gân và dây chằng ở khu vực này dễ bị tổn thương.
May mắn là tình trạng này có thể dễ dàng điều trị tại nhà bằng các phương pháp như chườm đá, chườm nóng, duy trì hoạt động ở mức vừa phải và uống thuốc giảm đau không kê đơn nếu cần thiết.
Đau thần kinh tọa
Khi dây thần kinh tọa ở vùng hông bị chèn ép thì có thể dẫn đến đau thần kinh tọa. Các triệu chứng của bệnh là đau, tê, ngứa ran ở mông, lưng dưới, chân và bàn chân. Thông thường, các triệu chứng chỉ xảy ra ở một bên cơ thể do dây thần kinh tọa ở bên đó bị chèn ép.
Đau thần kinh tọa có thể do các nguyên nhân như chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống, gãy xương chậu, khối u hay chấn thương. Để điều trị thần kinh tọa thì cần xử lý nguyên nhân gốc rễ gây bệnh.
Đau khớp cùng chậu
Khớp cùng chậu là khớp ở hai bên xương chậu, ngay cạnh cột sống. Hai khớp cùng chậu được kết nối với nhiều dây chằng và cơ. Nếu các khớp, dây chằng, cơ bị chấn thương hay vận động quá mức thì sẽ gây viêm. Tình trạng này có thể gây đau lưng dưới dữ dội, thường là ở bên bị tổn thương.
Điều trị đau khớp cùng chậu có thể cần được điều trị bằng vật lý trị liệu, thuốc kháng viêm hay phương pháp nắn chỉnh cột sống.
Sỏi thận
Thận có chức năng chính là lọc máu. Nếu chất thải trong máu nhiều nhưng lại uống không đủ nước thì chất thải sẽ đọng lại thành tinh thể rắn, hình thành sỏi thận.
Vì thận nằm ở gần sát lưng dưới nên sỏi thận lớn có thể gây đau ở vùng lưng này. Vì sỏi thận thường ảnh hưởng một bên nên cơn đau lưng dưới cũng có thể chỉ xảy ra một bên. Tuy nhiên, một số trường hợp sỏi thận lại gây đau bụng hoặc háng, theo Medical News Today.
Bình luận (0)