Sau một năm kể từ khi ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam, trong nước đã có 2 ca mới nhất ghi nhận trong tháng 9 này, là bệnh nhân tại Đồng Nai tạm trú tại TP.HCM và bệnh nhân tại Bình Dương (trường hợp có tiếp xúc với ca bệnh ở Đồng Nai).
Nhận định về dịch đậu mùa khỉ tại Việt Nam, một chuyên gia cho rằng mầm bệnh có trong cộng đồng, vì các trường hợp này chưa từng ra nước ngoài. Đậu mùa khỉ không dễ bùng thành dịch, không nên quá lo lắng nhưng cũng không chủ quan. Mỗi người cần chủ động các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Nhiều đường lây bệnh truyền nhiễm
Theo BS Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, hai bệnh nhân đậu mùa khỉ mới ghi nhận khởi bệnh tại nơi cư trú, chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây.
GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhìn nhận, thời gian qua xuất hiện nhiều dịch bệnh mới. Những bệnh như sốt xuất huyết trước đây mang tính khu trú thì hiện nay cũng đã lây lan mạnh. Có những bệnh dịch do véc tơ (muỗi, côn trùng) truyền bệnh; hoặc bệnh dịch do virus có thể lây qua đường quan hệ tình dục, đường truyền máu…
Những dịch bệnh đã có trước đây cũng đang có sự thay đổi. Như bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi, đến nay đã lan ra trên toàn cầu và trên những đối tượng đặc biệt, những đường lây đặc biệt.
Theo ông Lân, bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới càng ngày càng diễn biến khó lường. Đối với các dịch bệnh đang lưu hành thì chúng ta thực hiện đơn lẻ các biện pháp của từng bệnh. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh mới, để tận dụng các nguồn lực tối đa của xã hội, chúng ta phải dự phòng tổng thể trên các bệnh truyền nhiễm và trên các đường lây. Đặc biệt là cần có sự sẵn sàng từ trước.
"Phòng, chống dịch không mang một công thức, mà phụ thuộc vào các đặc điểm dịch tễ, biện pháp phòng, chống của từng địa phương, cụ thể hóa tại từng thời điểm", ông Lân lưu ý.
Bình luận (0)