'Đau muốn rụng chân', đi khám phát hiện bướu thận di căn

22/04/2024 14:50 GMT+7

Ông P.V.Đ (60 tuổi, ở TP.HCM) cho biết vì chân phải của ông đau đến mức 'muốn rụng', khiến một người chưa bao giờ chịu đi khám bệnh như ông phải tìm gặp bác sĩ.

Qua siêu âm, các bác sĩ tại địa phương phát hiện ông Đ. có bướu thận nên chuyển ông đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) thăm khám.

Nguy cơ tử vong nếu không phẫu thuật kịp thời

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim-Mạch máu, Bệnh viện Bình Dân, cho biết qua hình ảnh CT-scan có cản quang và MRI, các bác sĩ phát hiện bướu thận phải kích thước lớn 80 x 40 mm và chồi bướu đã ăn lan, xuyên vào thành tĩnh mạch chủ dưới gây chít hẹp khiến máu từ chân phải không chảy về tim được. Đây chính là lý do làm cho người bệnh đau chân dữ dội.

Theo y văn, ung thư thận có chồi bướu vào lòng tĩnh mạch chiếm 4-10% tổng số người bệnh. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình của người bệnh là 5 tháng. Tuy nhiên, trường hợp phát hiện muộn như ông Đ., các bác sĩ ước tính bệnh nhân khó giữ được tính mạng trong 2 tuần tiếp theo nếu không phẫu thuật do bướu sẽ lan dần về tim, lên phổi gây tắc nghẽn tuần hoàn.

Ông P.V.Đ tái khám theo dõi sức khỏe

Ông P.V.Đ tái khám theo dõi sức khỏe

N.N

Trước tình thế cấp bách, bệnh viện đã chủ trì hội chẩn toàn viện với sự tham gia của nhiều chuyên khoa để tìm phương án phẫu thuật tối ưu cứu sống người bệnh. Nhiều tình huống đã được đặt ra, trong đó, các bác sĩ tiên lượng khả năng phải thực hiện thay mới hoàn toàn một đoạn tĩnh mạch chủ dưới đã bị chồi bướu xâm lấn. Đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm phẫu thuật mạch máu.

Thay tĩnh mạch chủ để cứu sống người bệnh

Sau khi các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu thực hiện phẫu thuật robot cắt bỏ thận phải có bướu xâm lấn, các bác sĩ chuyên khoa mạch máu thực hiện thay tĩnh mạch chủ dưới.

"Nhờ có thêm phẫu thuật robot, chúng tôi chỉ thực hiện thêm đường mổ ngắn bằng một nửa so với thông thường để kẹp hai đầu tĩnh mạch, loại bỏ đoạn tĩnh mạch chủ có bướu di căn vào. Tiếp đến, đoạn tĩnh mạch khiếm khuyết được thay bằng đoạn ống ghép chất liệu nhân tạo dài hơn 10 cm", bác sĩ Đức chia sẻ.

Các bác sĩ đã lấy toàn bộ huyết khối trong tĩnh mạch chậu phải và tĩnh mạch thận trái, cắm lại tĩnh mạch thận trái để máu lưu thông từ tĩnh mạch thận trái về tim. Ca phẫu thuật đã thành công sau hơn 11 giờ nỗ lực của toàn bộ ê kíp bác sĩ nhiều chuyên khoa.

Hai ngày sau phẫu thuật, người bệnh đã vận động được tại giường. Ông Đ. được cắt chỉ ở ngày hậu phẫu thứ 7 và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 10. Trước khi xuất viện, người bệnh được kiểm tra ống ghép và mạch máu lưu thông tốt, chức năng thận trái tốt. Sau khi vết thương ổn định, người bệnh sẽ tiếp tục các liệu trình hóa trị để loại trừ các tế bào ung thư và sử dụng thuốc chống đông để phòng ngừa huyết khối sau này.

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Phú Phát, Trưởng khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân, chia sẻ hiện nay có thể phát hiện bướu thận giai đoạn sớm, khi bướu chỉ mới có kích thước khoảng 1-3 cm bằng siêu âm ổ bụng. Khi phát hiện bướu ở giai đoạn sớm, việc cắt bướu bảo tồn thận sẽ rất thuận lợi và tiên lượng rất tốt cho người bệnh thay vì phát hiện muộn đến khi bướu đã xâm lấn hoặc di căn xa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.