Đau rát khi ăn uống, đi khám phát hiện ung thư lưỡi

11/07/2024 10:22 GMT+7

Ông N.B (56 tuổi, quốc tịch Campuchia) 3 tháng gần đây xuất hiện nhiều mảng trắng đục trên lưỡi kèm đau rát khi ăn uống, tuy nhiên nghĩ đây là triệu chứng bình thường nên ông chỉ mua thuốc uống.

Ngày 11.7, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Hùng, Trưởng khoa Điều trị Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.HCM), cho biết qua thăm khám ghi nhận sang thương dạng loét sùi bờ phải lưỡi với kích thước 2 cm, xâm nhiễm mô xung quanh. Nghi ngờ khả năng ác tính cao nên các bác sĩ chuyên khoa đã quyết định sinh thiết. Khi ra kết quả ác tính đã tiến hành làm các xét nghiệm và chụp MSCT (chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt), siêu âm để khảo sát giai đoạn bệnh. Từ đó lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân vì đây là căn bệnh cho di căn vào hạch bạch huyết rất sớm.

Bệnh nhân được phẫu thuật cắt nửa bên phải lưỡi và nạo hạch cổ nhóm I, II, III cùng bên theo đường khoang miệng, ca mổ kéo dài trong 2 giờ.

"Việc đánh giá mức độ xâm lấn của thương tổn khi phẫu thuật rất quan trọng vì phải đảm bảo đủ diện cắt an toàn, tránh trường hợp tế bào bướu sót lại sau phẫu thuật làm tăng nguy cơ tái phát sau đó", bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Đau rát khi ăn uống, đi khám phát hiện ung thư lưỡi- Ảnh 1.

Hình ảnh lưỡi người đàn ông

BVCC

Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được đặt sonde mũi dạ dày trong mổ và để nuôi ăn. Việc nuôi ăn qua đường tĩnh mạch sau mổ nhằm đảm bảo cho sự lành thương. Sau 7 ngày hậu phẫu, vết mổ vùng lưỡi khô, bệnh nhân được cho ăn lại qua đường miệng, vận động vùng lưỡi của bệnh nhân không có bất thường.

Theo bác sĩ Hùng, hiện không có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn ung thư lưỡi phát triển. Tuy nhiên, nếu phát hiện thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường, người dân hãy đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt ở những người có yếu tố nguy cơ như người hay hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, nhiễm HPV, tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư lưỡi,... Phát hiện bệnh càng sớm, việc điều trị và kết quả mang lại càng cao.

Trong giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Thường người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Ngoài ra, ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.