Đấu thầu tập trung, coi chừng quay lại 'vết xe đổ'?

31/05/2022 05:34 GMT+7

Sở Y tế TP.HCM vừa đề xuất UBND TP.HCM xem xét cho ý kiến về việc lập Trung tâm mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế cho ngành y tế công trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động độc lập, khách quan... để thực hiện một cách minh bạch, thống nhất về giá.

Từng giải thể trung tâm mua sắm tập trung

Từ trước năm 2013, các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP.HCM được đấu thầu riêng lẻ. Điều này dẫn đến mỗi nơi trúng thầu một giá dù cùng chủng loại, đó là bất cập, dẫn đến khó khăn trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), chưa kể có sự không minh bạch. Chính vì lẽ đó, ngày 24.1.2013, UBND TP.HCM ra quyết định thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công ngành y tế trực thuộc Sở Y tế (gọi tắt là Trung tâm mua sắm). Trong giai đoạn chờ đấu thầu tập trung về thuốc, TP.HCM không cho các BV nối thầu theo gói thầu cũ mà buộc áp thầu theo kết quả thầu của BV Chợ Rẫy, điều này đã giúp VN Pharma hưởng lợi rất lớn. Nhưng khi chính thức đi vào đấu thầu thì sao?

Mua sắm như thế nào để cung ứng kịp thời về thuốc... phục vụ bệnh nhân là quan trọng

Duy Tính

Giai đoạn 2014 - 2016, Trung tâm mua sắm tổ chức 6 gói thầu thuốc. Cụ thể, năm 2014 thực hiện 2 gói thầu thuốc (generic, biệt dược) với 2.179 mặt hàng, giá trị hơn 9.603 tỉ đồng. Nhưng kết quả trúng thầu chỉ có 1.678 mặt hàng (77% kế hoạch), giá trị gần 7.100 tỉ đồng. Năm 2015 thực hiện 2 gói thầu thuốc với 3.055 mặt hàng, giá trị hơn 9.000 tỉ đồng. Kết quả trúng thầu là 2.465 mặt hàng (81% kế hoạch), giá trị hơn 7.742 tỉ đồng. Năm 2016 thực hiện 2 gói thầu thuốc với 413 mặt hàng, giá trị hơn 1.569 tỉ đồng (chỉ mua sắm tân dược có trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương và được áp dụng hình thức đàm phán giá). Kết quả trúng thầu là 351 mặt hàng (85% kế hoạch), giá trị hơn 1.325 tỉ đồng.

Còn đối với vật tư y tế (VTYT), Trung tâm mua sắm tổ chức 9 gói thầu với 4.195 mặt hàng, giá trị hơn 2.813 tỉ đồng. Nhưng chỉ có kết quả lựa chọn nhà thầu của 4 gói thầu vào tháng 5.2016. Số mặt hàng trúng thầu là rất thấp so với kế hoạch (khoảng 50%); 5 gói thầu còn lại không thực hiện do giải thể Trung tâm mua sắm. Đối với gói thầu trang thiết bị y tế (TTBYT), Trung tâm mua sắm tổ chức 12 gói thầu, 205 mặt hàng, tổng giá trị các gói thầu là 369 tỉ đồng. Sau cùng chỉ có kết quả lựa chọn nhà thầu 1 gói thầu xe cứu thương; 1 gói thầu thiết bị lọc máu, thận nhân tạo phải hủy thầu do các hồ sơ dự thầu đều không đáp ứng hồ sơ mời thầu; 10 gói thầu còn lại không thực hiện do giải thể Trung tâm mua sắm.

Đến ngày 14.10.2017, UBND TP.HCM ra quyết định giải thể Trung tâm mua sắm.

Nhìn nhận sau này, Sở Y tế cũng đã thấy được việc thiếu con người đủ chuyên môn, thiếu cơ chế chính sách đồng bộ và những bất cập về sử dụng thuốc, VTYT, TTBYT của từng đơn vị mà không thể “quơ” hết về đấu thầu 1 nắm trong mua sắm tập trung.

Các chuyên gia nói gì?

Mới đây, BV Chợ Rẫy thiếu thuốc ức chế miễn dịch cho người ghép thận, đây là thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, nhưng đấu thầu không được nên trả về cho các BV đấu thầu, do BV chưa làm kịp dẫn đến bệnh nhân thiếu thuốc. Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế tỏ vẻ nghi ngại khi đấu thầu tập trung và “vết xe đổ” có thể lặp lại.

Một chuyên gia (có nhiều kinh nghiệm trong mua sắm tập trung thuốc, VTYT, TTBYT) cho rằng, y tế công TP.HCM là chủ lực với 78 đơn vị. Về thuốc, nếu đấu thầu tập trung, 1 gói thầu sẽ có 1 người trúng thầu, điều này dẫn đến nguy cơ cao… đứt hàng do nhà thầu không thể cung cấp xuể. Bên cạnh đó, nhà thầu tham gia phải có năng lực cung cấp đủ hàng cho cả TP, điều này những BV nhỏ và vừa sẽ không tham gia đấu thầu được, vì đa phần doanh nghiệp (DN) chỉ mua đi bán lại.

“Còn về VTYT, mỗi đơn vị xài hàng đều khác nhau, phụ thuộc vào thói quen tay nghề... Nếu mua 1 loại mà xài hết cho các BV là rất khó. Về TTBYT, mỗi BV một kiểu, người thích hãng này, người thích hãng khác, người thích hiện đại hơn 1 chút. Do đó, nếu mua 1 loại máy xài hết cho cả TP cũng là rất khó”, chuyên gia này góp ý.

Chuyên gia này đề xuất trong đấu thầu phải tuân thủ công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Công bằng là tạo sân chơi đầy đủ cho mọi nguời tham gia, không chèn ép ai. Công khai là mua cái gì thì nói rõ cái đó, tại sao thích mặt hàng đó. Minh bạch là tổ chức cho mọi người cùng tham gia đấu thầu, ai trúng theo yêu cầu và giá cả hợp lý là xong.

Theo vị này, nếu sợ về giá cao thì yêu cầu đơn vị tham gia thầu trước khi lập dự toán phải tham khảo giá ở các nguồn khác nhau, nếu công bố giá không đúng thì đơn vị đó chịu trách nhiệm chứ không phải bên mời thầu. Đơn vị thẩm định giá chịu trách nhiệm về thẩm định của mình, vì BV không có nhiều công cụ để kiểm tra. Trong TTBYT, nếu công nghệ gần như là tương đồng với nhau thì không thể khác giá chênh lệch “trên trời, dưới đất”. Không thể chấp nhận 2 công nghệ tương đồng nhau nhưng chế ra thêm 1 số tiện ích (như xuất hình ảnh ra tivi) để làm giá. Nếu 2 công nghệ khác nhau thì giá khác nhau là chấp nhận.

Lãnh đạo một BV hạng 1 tại TP.HCM nhìn nhận, năm 2014 đấu thấu tập trung nhưng không được gì nên mới trả về cho các BV. Với VTYT, thời gian đó BV không có gì xài nên mua “tùm lum” để xài. Như TTBYT, máy siêu âm, siêu âm tim, siêu âm cho phụ sản, siêu âm ung bướu là khác nhau, nhưng gom lại để đấu thầu “máy siêu âm” nên không thể ra kết quả được là chuyện hiển nhiên. Do đó, nếu bây giờ mua sắm tập trung trở lại thì sợ sẽ khó khăn như các năm trước đây.

Minh bạch giá, cho đấu giá

Theo một chuyên gia về đấu thầu, Bộ Y tế và các ngành muốn kéo giá thuốc, VTYT, TTBYT trở lại giá thực của nó và mua sắm đồng nhất giá trên toàn quốc. Nhà nước đã ra rất nhiều công cụ kiểm soát giá, như yêu cầu DN kê khai giá nhưng không được bán cao hơn là kê khai. Còn ai kiểm tra giá kê khai của DN, đó là Bộ Y tế và Bộ Tài chính chứ không thể nào bắt các BV kiểm tra. Khi các công cụ kiểm soát giá tốt thì cứ để các BV tự đấu thầu hay hơn. Ai sai ở đâu xử lý chỗ đó.

“Đã có công cụ quản lý từ từ tập cho các BV đi vào nền nếp. Nếu bây giờ mà mua sắm tập trung sẽ dẫn đến đứt hàng, hạn chế phát triển của DN. Chưa kể, 30 người không thể làm được Trung tâm mua sắm tập trung. 30 người này tự làm, tự bơi thì sẽ “chết chìm”. Ví dụ 1 loại thuốc có 10.000 mặt hàng, nhưng có 3 nhà thầu tham gia thì có 30.000 mặt hàng. Sức đâu đọc hết được giấy phép lưu hành của 30.000 mặt hàng này”, vị chuyên gia đấu thầu đặt vấn đề.

Thống nhất giá trần và đấu giá công khai

Một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng cho rằng lập Trung tâm mua sắm tập trung người ngoài ngành không thể mua được vì thuốc, VTYT, TTBYT xuất phát từ nhu cầu các BV. Việc mua sắm tập trung là hướng đến sự tốt đẹp, bởi hiện nay không ai dám mua gì sau nhiều vụ án đã xảy ra. Nhưng quan điểm là không nên lập trung tâm mua sắm tập trung, vì đã có bài học nhãn tiền. Với TTBYT, Bộ Y tế cần đưa ra những công ty đủ tư cách, những mặt hàng đúng tiêu chí kỹ thuật. Bộ Y tế, Bộ Tài chính, thuế, hội đồng các BV ngồi với nhau thống nhất ra một giá trần và đưa ra đấu giá công khai.

“Khi đã có các công cụ, BV đấu thầu hay Trung tâm mua sắm tập trung đấu thầu cũng vậy thôi. Trung tâm mua sắm tập trung mà sai thì sai lớn hơn, còn ở BV, BV nào sai thì xử lý BV đó”, vị này nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.