Đấu thầu vàng: 'Cần giám sát chặt khâu bán vàng cho dân'

17/04/2024 17:25 GMT+7

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng, trong câu chuyện đấu thầu vàng sắp tới, cơ quan quản lý nhà nước phải đặc biệt lưu ý khía cạnh đơn vị trúng thầu bán vàng cho dân như thế nào.

Ngày 15.4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường, hướng tới xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.

Hiện nay, mất cân đối trên thị trường vàng Việt Nam rất lớn

Hiện nay, mất cân đối trên thị trường vàng Việt Nam rất lớn

ĐT

Như vậy, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại tổ chức đấu thầu vàng miếng; có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Đến chiều nay 17.4, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cung cấp thêm thông tin nào chi tiết hơn về việc đấu thầu vàng.

Chia sẻ với Thanh Niên chiều nay 17.4, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phân tích đấu thầu thì phải có quy chế rõ ràng.

Đấu thầu vàng là lấy từ Quỹ dự trữ ngoại hối. Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa công bố quy chế đấu thầu, song Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: "Tất nhiên, Ngân hàng Nhà nước phải xác định rõ các yếu tố như đối tượng, nguyên tắc đấu thầu thế nào; đặt cọc thế nào, tỷ lệ cụ thể bao nhiêu; trúng thầu thì sao và không trúng thầu thì sao…".

Khẳng định hiện nay mất cân đối thị trường vàng đã quá lớn, ông Bảng nhấn mạnh, diễn biến giá, mục tiêu hướng tới giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới khi tiến hành đấu thầu vàng đạt được kết quả ra sao phải chờ xem Ngân hàng Nhà nước có "tung" ra nhiều vàng hay không, liên tục hay ngắt quãng. "Ít thì không giải quyết được vấn đề", ông Bảng nói.

Biến động vàng ngày 17.4: Giá vàng bất động trước thông tin đấu thầu vàng

Giám sát chặt khâu bán vàng cho dân

Nhắc tới câu chuyện đấu thầu vàng miếng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, Việt Nam đã triển khai đấu thầu vàng 11 năm về trước.

Lần này, Ngân hàng Nhà nước cho triển khai lại nghiệp vụ này là để tăng tính công khai, minh bạch. Cạnh đó là tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế, góp phần giảm sự chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, theo ông Lực: "Đâu đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng vàng nhất định, bởi chúng ta không có nguồn vàng trong nước dồi dào".

Một số chuyên gia kinh tế cũng đồng tình quan điểm cần cho nhập khẩu lượng vàng nhất định, tuy nhiên lưu ý nếu nhập khẩu vàng, cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán cụ thể là nhập bao nhiêu vàng về ở những thời điểm khác nhau cho phù hợp.

Điều này nhằm đảm bảo vừa cân bằng hơn về quan hệ cung - cầu, vừa để kiểm soát được dự trữ ngoại hối của Việt Nam; qua đó góp phần ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô.

Trong câu chuyện đấu thầu vàng sắp tới, ông Bảng nhấn mạnh: "Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải đặc biệt lưu ý khía cạnh đơn vị trúng thầu bán vàng cho dân như thế nào.

Ngân hàng Nhà nước phải qua trung gian như các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại… để bán vàng cho dân. Tôi tin chắc, giá đấu thầu và bán ra thị trường phải có quan hệ như thế nào đó. Cần theo dõi sát, quản lý chặt giá bán ra của các đơn vị chứ không phải mua về rồi muốn bán ra khi nào thì bán, bán giá nào thì bán...".

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong đấu thầu vàng miếng sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ gửi thông báo đấu thầu trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.

Các đơn vị tham gia có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. 1 giờ sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17 giờ ngày nhận thông báo thầu.

Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, đến thời điểm này, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28.3.2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.