Bất chấp lệnh trừng phạt từ phương Tây, việc mua bán dầu thô của Nga vẫn diễn ra sôi nổi ở các thị trường châu Á.
Các công ty Trung Quốc tranh giành mua dầu Nga
Dữ liệu hãng tin Reuters công bố ngày 21.4 cho thấy các công ty dầu mỏ nhà nước Trung Quốc và nhà máy lọc dầu tư nhân lớn đang mua thêm dầu thô của Nga, buộc các công ty nhỏ hơn chuyển sang các nhà cung cấp khác.
Theo dữ liệu hải quan, tổng lượng dầu thô Trung Quốc nhập từ Nga, cả bằng đường ống và tàu, đã tăng lên mức kỷ lục 9,61 triệu tấn, tương đương 2,26 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 3.
Nhà phân tích Emma Li của công ty Vortexa (Anh) cho biết trong tháng 4, riêng lượng dầu Urals Nga xuất sang Trung Quốc cũng đang trên đà phá vỡ kỷ lục của tháng 3 khi nhiều nhà máy lọc dầu bắt đầu mua dầu thô từ vùng Baltic. Bà ước tính trong tháng 4, mỗi ngày Nga chuyển khoảng 700.000 thùng dầu Urals sang Trung Quốc. Con số này tăng hơn 100.000 thùng/ngày so với tháng 3.
Dầu thô Nga ngày càng hấp dẫn?
Với việc các công ty lớn đẩy mạnh mua dầu Nga, các nhà máy nhỏ đã chuyển sang lựa chọn thay thế như dầu Bắc Cực của Nga, dầu của Iran và Venezuela. Theo số liệu Reuters thu được, các nhà máy lọc dầu tư nhân nhỏ hơn của Trung Quốc đã mua gần như toàn bộ dầu ESPO trong khoảng từ tháng 11.2022 đến tháng 1 năm nay.
Ngoài ra, các công ty nhỏ ở tỉnh Sơn Đông đã nhập khẩu kỷ lục 4,2 triệu thùng dầu thô Varandey ở Bắc Cực vào tháng 3, theo dữ liệu của công ty phân tích thị trường Kpler (Pháp).
Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy nước này không nhập dầu thô từ Iran và Venezuela. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều ngược lại.
Dữ liệu của Kpler cho thấy Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 409.000 thùng dầu thô/ngày từ Iran trong tháng 3, cao hơn gấp đôi khối lượng của tháng 1. Các thương nhân cũng cho biết dầu thô từ Venezuela được trộn với các loại dầu khác được cho là xuất khẩu từ Malaysia, cũng là mặt hàng được các nhà máy Trung Quốc săn đón.
Theo Reuters cho biết dầu thô từ Iran và Venezuela thường được bán với danh nghĩa dầu của quốc gia khác để né trừng phạt.
Ngân hàng Trung ương Nga: Lệnh cấm vận phương Tây gây khó khăn hơn mọi dự báo
Châu Âu vẫn là bên nhập nhiều dầu Nga nhất
Tờ The Independent dẫn báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch của Phần Lan (CREA) cho biết Liên minh châu Âu (EU) vẫn là nhà nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ lớn nhất từ Nga, bất chấp lệnh trừng phạt khối này áp đặt lên Moscow.
Theo The Independent, EU đã gián tiếp nhập khẩu dầu Nga từ các quốc gia trung gian. Cụ thể, báo cáo của CREA xác định 5 quốc gia xuất khẩu nhiều dầu thô của Nga sang EU nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Singapore.
Số liệu của CREA cho biết lượng dầu thô 5 quốc gia nói trên nhập từ Nga đã tăng hơn 140% về khối lượng so với thời điểm trước xung đột Ukraine, với tổng giá trị nhập khẩu tăng lên 74,8 tỉ euro (1,9 triệu tỉ đồng). Xuất khẩu dâu thô từ các nước này sang phương Tây đã tăng 80% về giá trị và 26% về khối lượng.
Cuộc chiến của Mỹ để cắt dòng chảy chip xử lý đến Nga
Ông Lauri Myllyvirta, đồng tác giả báo cảo của CREA nói với The Independent rằng EU và G7 và Úc đã “thất bại trong việc hạ giá trần xuống mức có thể thực sự ngăn cản lợi nhuận lớn của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ”. Theo ông, tình hình cũng cho thấy sự phụ thuộc của các nước này vào dầu Nga.
Reuters hôm 20.4 dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Pakistan, ông Musadik Malik, cho biết nước này đã đặt đơn hàng dầu thô giảm giá đầu tiên của Nga theo một thỏa thuận được ký kết giữa 2 nước. Theo đó, lô hàng đầu tiên sẽ cập cảng Karachi vào tháng 5.
Theo thỏa thuận, Pakistan sẽ chỉ mua dầu thô, không mua nhiên liệu tinh chế. Bộ trưởng Malik cho biết nhập khẩu dầu thô từ Nga dự kiến sẽ đạt 100.000 thùng mỗi ngày nếu giao dịch đầu tiên diễn ra suôn sẻ.
Thỏa thuận này đã khiến giới phân tích bất ngờ, bởi Pakistan là một đồng minh lâu đời của phương Tây và là đối thủ của nước láng giềng Ấn Độ, quốc gia có quan hệ gần gũi với Nga.
Theo các nhà phân tích, nhu cầu tài chính của Pakistan hiện tại có thể là lý do khiến nước này mua dầu Nga. Hiện quốc gia Nam Á đang đối mặt cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán, và nguy cơ vỡ nợ nếu không thể chi trả các khoản vay nước ngoài. Nhập khẩu năng lượng chiếm phần lớn các khoản thanh toán bên ngoài của đất nước.
Dự trữ ngoại hối do ngân hàng trung ương Pakistan nắm giữ gần như không đủ để chi trả cho các khoản nhập khẩu năng lượng trong 4 tuần.
Bình luận (0)