Đau thương '108 ngày sống trong giãn cách'

14/09/2024 07:00 GMT+7

"Tôi ngồi bên cửa sổ, chỉ một khoảng trời nhỏ để lang thang cùng ngòi bút. Mọi con đường chung quanh đều bị giăng dây kín. Cuốn nhật ký viết trong 108 ngày giãn cách: những ngày nắng đẹp, những hôm mưa rào đều rơi vào trang viết. Tiếng còi xe cứu thương, những đám tang lặng lẽ mà đau thương quá", tác giả Từ Nguyên Thạch chia sẻ.

Từng cảm xúc với những câu thơ trong trẻo về tình yêu của thi sĩ Từ Nguyên Thạch: "Hai bàn tay tôi siết chặt/giữ lấy chút ánh sáng nơi này. Trong bàn tay tôi ánh sáng lớn dần/soi rõ nụ cười nàng", độc giả càng bất ngờ khi cầm trên tay tác phẩm mới 108 ngày sống trong giãn cách của ông (do NXB Hội Nhà văn ấn hành), ở một thể tài mới.

Đúng 3 năm TP.HCM thoát ra khỏi Covid-19 (15.9.2021 - 15.9.2024) nhưng đọc gần 250 trang nhật ký của nhà thơ Từ Nguyên Thạch thì thấy đại dịch vẫn còn như mới đâu đây.

Đau thương '108 ngày sống trong giãn cách'- Ảnh 1.

Tác phẩm mới 108 ngày sống trong giãn cách

Ảnh: NVCC - NXB

"19 giờ ngày 30.5. Còn 5 tiếng đồng hồ nữa TP sẽ bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên, kéo dài đến 15.6. Nga, vợ tôi nói phải đi mua một số thứ cần thiết để dự phòng. Tôi chở Nga bằng xe máy. Đường phố lúc này đã khá vắng. Nhưng khi ghé cửa hàng trên đường Vườn Lài (Q.Tân Phú, TP.HCM) thì thấy khách khá đông. Vào bên trong, các thứ rau củ quả hết sạch. Thấy trong lòng có chút hoang mang. Vội phóng xe về chợ Tân Phú 2, Nga sà xuống một điểm bán rau ven đường. Người mua như giành giựt. "Cô không mua mai mắc nữa đó", người bán hàng gằn giọng. Chạy đến đại lý tạp hóa trên đường Phạm Vấn, khách đứng lớp trong lớp ngoài…", mở đầu cho 108 cung bậc cảm xúc với những trải nghiệm đớn đau, sợ hãi, tuyệt vọng, dũng cảm trong đại dịch.

Những ngày giãn cách đầu tiên, các trang nhật ký của tác giả ghi nhận cố gắng của thành phố trong việc đảm bảo nhu yếu phẩm phục vụ người dân và chính quyền, nhưng đang "căng mình" trước "con quái vật" chưa từng thấy: "Sáng nay con quái vật ấy xuất hiện thêm nhiều nơi. Thoắt ẩn thoắt hiện. Không ai biết trước để mà tránh. Chỉ nghe tiếng còi xe cứu thương mới biết nó đang ở gần. Nó xuất hiện ở đâu thì nơi đó nháo nhào, hốt hoảng. Dây dăng ra và cuộc sống bị nhốt lại", tác giả viết trong nhật ký Ngày thứ mười một 10.6.

Trong từng trang sách, người đọc có thể nhìn thấy bóng dáng bạn bè, người thân với những hoàn cảnh, bi kịch, vui buồn khác nhau. Đó là một ký ức đau buồn nhưng không gục ngã, là sự bất trắc nhưng không thay đổi về lối sống cao thượng của người Sài Gòn. "Sáng nay, tôi nhận được thùng hàng cứu trợ của vợ chồng Dũng, Vân từ Lagi gởi vào. Dũng gọi điện nói: "Ngoài này tụi em đọc báo thấy người Sài Gòn đang sống rất khó khăn. Cả xóm em ai có người thân ở Sài Gòn đều gởi đồ ăn vào hỗ trợ hết". Hóa ra Sài Gòn trở thành mối quan tâm của cả nước. Các địa phương đang nhường cơm sẻ áo với Sài Gòn. Nghe Dũng nói mà ứa nước mắt. Nỗi sợ hãi mơ hồ trong tôi vì vậy mà tan biến" (Ngày thứ hai mươi bảy 26.6). Toàn bộ tác phẩm như truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, hãy giữ lấy lòng trắc ẩn và thương yêu nhau, vì nhờ đó mà Sài Gòn có đủ sức mạnh cùng lòng dũng cảm để bước qua Covid-19.

Đau thương '108 ngày sống trong giãn cách'- Ảnh 2.

Nhà thơ Từ Nguyên Thạch

Ảnh: NVCC - NXB

Là người con của khúc ruột miền Trung, với cuốn sách 108 ngày sống trong giãn cách, tác giả đã "trả nghĩa" cho những ân tình với Sài Gòn - TP.HCM. Từng dâng trào cảm xúc những trang nhật ký về tình người, tình đời lẫn hiện thực khốc liệt ở tâm dịch khi Vũ Hán bị phong tỏa từ ngày 23.1.2020 của nhà văn Phương Phương (Trung Quốc) nổi tiếng một thời, thì nhật ký 108 ngày sống trong giãn cách của nhà thơ Từ Nguyên Thạch càng giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh hơn về trận đại dịch kinh hoàng tại TP.HCM, mà con người hiện đại mới vừa trải qua.

"Bằng những dòng nhật ký, xin làm nén nhang mang lại sự bình an cho hàng vạn người đã mất trong đại dịch. Và xin làm chiếc khăn lau đi nỗi buồn, mang lại chút ấm áp cho hàng vạn người dân TP có người thân của mình vĩnh viễn ra đi. Rồi vết thương lại lành, Sài Gòn - TP.HCM bước ra mùa đại dịch, đi tới với nụ cười kiêu hãnh. Những nỗi buồn, những sợ hãi cũng tìm vào, bởi vậy trang viết nhiều tiếng khóc hơn nụ cười, dẫu trong lòng tác giả không mong muốn", nhà thơ Từ Nguyên Thạch trải lòng.

Nhà thơ Từ Nguyên Thạch sinh năm 1956, quê quán Thừa Thiên-Huế.

Ông bắt đầu sáng tác thơ sau 1975. Năm 1980, vừa dạy học vừa tiếp tục sáng tác. Năm 1983, từ giã nghề giáo, chuyển công tác sang Sở VH-TT Sông Bé, Hội VHNT Sông Bé. Năm 1991, làm phóng viên, rồi biên tập viên báo Người Lao Động, Pháp Luật TP.HCM. Ông có nhiều tác phẩm thơ, văn đăng trên các báo, tạp chí; nhận nhiều giải thưởng về văn học, kịch bản phim và báo chí.

Các tác phẩm đã xuất bản: Miền đất tôi yêu (thơ, 1989); Bài hát buồn (thơ, 1990); Tình người cách ly (truyện dài, 2020); Hai bên chiến tuyến (truyện và ký, 2022), cùng hàng chục tác phẩm in chung khác.

Trong các trang viết của Từ Nguyên Thạch, tôi dễ nhận thấy nhất là sự chia sẻ thương cảm từ trái tim nhân văn và sự phản biện ôn hòa về cách vận hành xã hội chưa phù hợp trong vài hoàn cảnh nào đó suốt thời gian dịch bệnh diễn ra. Anh có các quan sát tinh tế và đầy thấu cảm, từ giọt nước mắt của người phụ nữ đẩy xe bán cháo lòng bị bắt mang về phường tới đàn chim sẻ không còn về ríu rít trước sân; hay như những dòng thơ do chính Từ Nguyên Thạch sáng tác, san sẻ nỗi xót xa của những phận người, giữa những cuộn xoáy dữ dội của dịch bệnh.

Nhà văn - PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.