Dầu tràm Lộc Thủy - Kỳ 2: Không thể sống với nghề

11/12/2012 10:01 GMT+7

Hàng trăm người dân Lộc Thủy vẫn đau đáu vì cái nghề tổ tiên đang mai một những vẫn sống dựa trên danh tiếng của tổ tiên mấy năm nay.

Gian nan bám nghề

“Để có được một mẻ dầu nguyên chất ít nhất phải đun 8 giờ. Mỗi mẻ chỉ cho chưa được một lít dầu. Nếu lấy công làm lời (tự đi khai thác nguyên liệu) thì lời nhiều nhất cũng chỉ 30 ngàn đồng-40 ngàn đồng/ngày. Trong khi dầu giả lấy chỉ có 10 ngàn đồng-12 ngàn đồng mà bán ra lời gấp 5, gấp 6 lần thì ai chẳng ham. Dầu nguyên chất thì rẻ nhất cũng 70 ngàn đồng-80 ngàn mới có chút lời. Vào mùa nắng, tràm cho nhiều tinh dầu. Nhưng vào mùa mưa, nấu cả ngày mà cũng chỉ được nửa lít!”, bà Quyên, chủ một lò dầu ở đây, cho biết.

Dầu tràm 
Hệ thống lò nấu đã quá cũ kỹ - Ảnh: Tuyết Khoa

Theo những người làm nghề ở Lộc Thủy, nhiều năm gần đây, nguồn nguyên liệu địa phương đang cạn dần. Người làng phải đi bứt tràm xa hơn, ở đầm Cầu Hai, Lăng Cô, cảng Chân Mây… Nhiều người đi vào rừng cả ngày mới bứt đủ nguyên liệu một mẻ dầu. Những ngày mưa lạnh thì việc đi khai thác nguyên liệu xa càng khó khăn hơn bao giờ hết. Thời gian gần đây, người làng phải nhập nguyên liệu từ nhưng nơi khác như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam… Do vậy, giá thành dầu tràm Lộc Thủy có tăng lên so với trước đây. Hiện dầu tràm Lộc Thủy có hai loại: loại I là dầu tràm nguyên chất chiết xuất từ cây tràm 100 % với giá một chai 120ml không thể dưới 100 ngàn; loại II là loại dầu chiết xuất từ hai loại nguyên liệu là cây tràm và cây bổi (hay còn gọi là cây chổi) với giá thành 60 ngàn đồng-80 ngàn đồng/120ml.

“Từ xưa đến nay, dầu tràm Lộc Thủy được tinh luyện từ những người thợ giỏi. Họ được truyền nghề từ đời này sang đời khác, được hun đúc kinh nghiệm nghề của cha ông. Cây tràm nơi đây cho tinh dầu tốt với mùi thơm đặc biệt. Việc lấy dầu tràm kém chất lượng về bán, tuy có lời nhưng chúng tôi cũng chẳng sung sướng chi!”, anh Hùng, chủ một lò dầu ở đây buồn bã nói.

 Dầu tràm
Từ Phú Lộc đến Lăng Cô có hàng trăm cửa tiệm dầu tràm - Ảnh: Tuyết Khoa

Lực bất tòng tâm

“Ở đây bán dầu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hết. Ngay chính tôi cũng bán, cũng để mưu sinh. Mình chỉ bán dầu tốt cũng mất khách. Dầu dỏm dễ bán lại rất có lời, lời gấp 5-6 lần dầu thật. Ai mà chẳng muốn bán dầu tràm quê mình nhưng một mình tui bán thì ai mua. Khách sẽ so sánh và nói tui bán đắt cho họ!”, ông Trần Văn Tiến, chủ một tiệm lò ở Lộc Thủy, thú thực. Theo ông Tiến, từ Phú Lộc đến Lăng Cô có hàng trăm cửa tiệm, chủ yếu bán dầu rẻ, dầu không rõ nguồn gốc. Tâm lý khách đi đường chỗ nào rẻ thì họ mua. Chỉ có người rành dầu tràm thì họ mới biết và chấp nhận mua loại nhiều tiền do người làng này tinh luyện. Dầu tràm Lộc Thủy rất khó cạnh tranh với hàng giả.

Ông Mai Đình Hưng, chủ lò dầu tràm lớn nhất ở đây, nói: “Bán dầu kém chất lượng từ nơi khác về, khác gì đang bán rẻ thương hiệu của dầu tràm tổ tiên. Rồi, ai còn tin cậy dầu tràm Lộc Thủy. Uy tín của cái làng nghề mấy trăm tuổi còn đâu!”. Ông Hưng nói thêm, hiện tại mấy lò dầu Lộc Thủy chủ yếu sống nhờ khách đi đường, khách du lịch. Khách chỉ mua nhiều vào mùa du lịch. Trái mùa, khách vãng lai, đầu ra không ổn định, nguồn thu nhập rất bấp bênh. Không ít người bỏ nghề vì không thể sống với nghề này. Hệ thống lò nấu cũng đang xuống cấp. Phải bán được dầu thì chủ lò mới dám đầu tư vào cải tiến. Lấy dầu rẻ, dầu không rõ nguồn gốc về cũng không hẳn đã bán được. Bởi mật độ dày đặc của hàng trăm cửa hàng dầu tràm.

Người dân nấu tràm Lộc Thủy đang đứng trước quá nhiều khó khăn, thử thách. Dù họ có yêu nghề, nhưng sống được với nghề thật không đơn giản.

Tuyết Khoa

>> Uống nhầm dầu tràm, một trẻ 3 tuổi nhập viện
>> Dầu tràm Lộc Thủy: Chỉ bán cái danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.