Đầu tư cho khoa học mỗi năm chỉ bằng tiền làm 'một dặm đường'

17/08/2023 06:05 GMT+7

Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) vừa triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2023 sau một năm không tài trợ cho đề tài mới nào. Tuy nhiên con số ngân sách của quỹ (bao gồm cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội-nhân văn) chưa đến 300 tỉ đồng khiến nhiều nhà khoa học ngậm ngùi.

DẬP TẮT HY VỌNG CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC TRẺ

GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học VN, chia sẻ: "Trong lễ kỷ niệm chào mừng ngày Khoa học Công nghệ VN hồi tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu "Khoa học là con đường ngắn nhất để đạt mục tiêu thịnh vượng". Quỹ NAFOSTED cũng muốn tham gia xây dựng con đường này. Không biết làm đường khoa học một dặm (hơn 1,6 km) hết bao nhiêu tiền nhưng làm đường cao tốc thì một dặm cũng hết gần 300 tỉ đồng. Mà ngân sách cho Quỹ một năm không được 300 tỉ".

GS Hải cho rằng vấn đề đáng lo không chỉ là khoản ngân sách cụ thể của Quỹ NAFOSTED năm nay, mà là gần đây một số cơ quan nhà nước có khuynh hướng cho rằng tài trợ nghiên cứu khoa học của nhà nước nên giảm, nên xã hội hóa. Quan điểm của GS Hải được nhiều nhà khoa học chia sẻ, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ.

Đầu tư cho khoa học mỗi năm chỉ bằng tiền làm 'một dặm đường' - Ảnh 1.

Một cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ NAFOSTED hồi tháng 4 năm nay

NAFOSTED

Theo TS Hà Minh Hoàng, Trường ĐH Phenikaa, với khoản ngân sách "một dặm đường" này, e rằng nhiều nhóm nghiên cứu vừa mới hình thành giờ phải đối mặt với nguy cơ tan rã. TS Hoàng kể: "Cách đây 7 năm, khi tôi quyết định về nước, mọi thứ rất khó khăn, gần như khoản tài trợ bởi NAFOSTED (đề tài NAFOSTED) là nguồn kinh phí đáng kể duy nhất giúp các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ như tôi khi đó tiếp tục duy trì nghiên cứu và bước đầu gây dựng nhóm nghiên cứu ORLab (một nhóm nghiên cứu mạnh của Trường ĐH Phenikaa) như ngày hôm nay. Đối với nhiều nhà nghiên cứu trẻ như tôi, đề tài NAFOSTED là một minh chứng thắp lên hy vọng rằng ở VN tồn tại một nền khoa học công nghệ được vận hành một cách bài bản, chuyên nghiệp và minh bạch. Quỹ NAFOSTED chắc chắn là một nhân tố quan trọng thu hút không ít các nhà khoa học trẻ về nước cống hiến, góp phần đáng kể vào việc duy trì và phát triển trình độ, năng lực nghiên cứu của đội ngũ khoa học nước nhà".

Đầu tư đủ cho nghiên cứu khoa học không chỉ để nền khoa học phát triển, mà còn để góp phần đảm bảo liêm chính học thuật, liêm chính trong nghiên cứu.

GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học VN

Cũng theo TS Hoàng, trong vài năm gần đây, do đại dịch cũng như các vấn đề liên quan đến nguồn tài chính eo hẹp, quỹ ngày càng bị cắt giảm khiến việc tiếp cận với nguồn kinh phí ngày một khó khăn. Việc này sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường tác động trực tiếp lên đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu trẻ có năng lực vốn đã rất mỏng ở VN. "Tôi đã chứng kiến các nhà khoa học trẻ trở về gặp điều kiện khó khăn trong mấy năm vừa rồi đã bỏ nghề hoặc quay trở lại nước ngoài. Và một điều đáng lo ngại hơn đó chính là niềm tin về sự minh bạch, chính trực của cả một nền khoa học sẽ bị lung lay", TS Hoàng cho biết.

"NHÓM LÊN NGỌN LỬA" RỒI… ĐỂ ĐẤY

Theo GS Phùng Hồ Hải, cách đây hơn 10 năm, đầu tư cho khoa học của VN gần như không có, thành tựu khoa học vì thế gần như chẳng có gì, nhưng nhờ Quỹ NAFOSTED mà ngân sách đầu tư cho khoa học tăng vọt. Tuy nhiên, Nghị định số 23/2014/NĐ-CP yêu cầu ngân sách của quỹ mỗi năm phải đạt 500 tỉ đồng, nhưng từ khi hoạt động đến nay chưa có năm nào đạt được con số này. Mức 300 tỉ đồng ổn định từ nhiều năm nay trong khi lương tăng liên tục, đó là chưa kể năm ngoái quỹ không có đồng nào tài trợ mới (chỉ là tài trợ các đề tài đã duyệt chi các năm trước).

Đầu tư cho khoa học mỗi năm chỉ bằng tiền làm 'một dặm đường' - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang (giữa), Chủ tịch Quỹ NAFOSTED và Hội đồng ngành toán, trong hội nghị triển khai chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và kỹ thuật năm 2023

NVT

Những năm đầu tiên, khi quỹ mới thành lập, những công trình khoa học có chất lượng mà VN có được (công bố quốc tế) hầu hết là nhờ quỹ tài trợ. Nghĩa là dưới tác động của quỹ, nhà khoa học VN mới bắt đầu thực hiện công bố quốc tế. Gần như chỉ có những người được quỹ tài trợ mới quan tâm tới công bố quốc tế. Nhưng sau hơn 10 năm, phần công bố quốc tế do quỹ tài trợ còn khoảng hơn 1/10 so với số công bố quốc tế trong cả nước. Một mặt thì đây cũng là dấu hiệu tốt, vì có nhiều nơi khác tham gia tài trợ cho nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các trường ĐH. Nhưng một mặt cho thấy sự thiếu nhất quán trong quan điểm đầu tư vào nghiên cứu khoa học của nhà nước. "Quỹ NAFOSTED có vai trò nhóm lên một ngọn lửa. Nhưng nay thì phần lửa của quỹ chiếm một vai trò rất khiêm tốn trong ngọn lửa chung", GS Hải nhận xét.

Theo TS Võ Sỹ Nam, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Big Data, hiện nay một số nước công nghiệp mới tỷ lệ chi ngân sách nghiên cứu theo phần trăm GDP còn cao hơn các nước đã phát triển từ trước. Do đó VN muốn có một nền khoa học phát triển thì Chính phủ cần phải rất quyết liệt đầu tư cho khoa học, cho dù hiện tại có thể chưa hiệu quả bằng đầu tư vào các lĩnh vực khác. "Con đường" khoa học thay đổi khá chậm, không thấy được ngay nhưng về lâu dài sẽ có lợi. Khi thay đổi cơ chế thì ban đầu có thể sẽ nhộn nhạo chút (thay đổi nào cũng vậy hết) nhưng lâu dần sẽ vào nền nếp.

Còn theo GS Hải, muốn nền khoa học phát triển thì nhà nước cần phải có sự đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học (thông qua quỹ NAFOSTED). "Đầu tư đủ cho nghiên cứu khoa học không chỉ để nền khoa học phát triển, mà còn để góp phần đảm bảo liêm chính học thuật, liêm chính trong nghiên cứu. Vì quỹ đầu tư của nhà nước sẽ giúp hình thành ngọn hải đăng, đặt ra chuẩn mực về liêm chính để các nhà khoa học tuân thủ. Trên thực tế, các viện nghiên cứu trong nước hiện nay thường căn cứ vào các yêu cầu của NAFOSTED để đặt ra quy định cho đơn vị mình", GS Hải nói, đồng thời khuyến cáo cái mất đầu tiên của việc đầu tư cầm chừng là lãng phí. 

Cần bao nhiêu tiền cho khoa học ?

Theo GS Phùng Hồ Hải, luật quy định đầu tư cho KHCN là 2% tổng chi ngân sách hằng năm nhưng chính Bộ trưởng Bộ KH-CN nói rằng ngân sách chi cho KHCN được 0,63%, tức chỉ đáp ứng 1/3 yêu cầu của luật.

GS Phan Thành Nam, ĐH Ludwig Maximilian München (Đức), cho rằng nếu đạt tới tỷ trọng xứng đáng, Quỹ NAFOSTED không chỉ phải tăng gấp đôi mà cần tăng gấp 10 lần, tức khoảng 3.000 tỉ đồng/năm.

Theo TS Võ Sỹ Nam, nếu theo mô hình quỹ NSF của Mỹ (gần 10 tỉ USD/năm), cân đối theo tỷ lệ GDP thì quỹ NAFOSTED cần 100 - 150 triệu USD/năm. Do vậy con số chỉ hơn 10 triệu USD như hiện nay đúng là quá ít. Nếu lấy quỹ NIH (quỹ nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Y tế Mỹ) làm mô hình (gần 50 tỉ USD/năm) thì VN cũng nên khởi động thêm chừng 500 - 700 triệu USD/năm tài trợ lĩnh vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.