Đầu tư cho thương hiệu nông sản

17/05/2021 06:43 GMT+7

Thương hiệu nông sản cần phải được xem là bước đầu tư chiến lược lâu dài. Vì sao?

Câu chuyện thứ nhất: Sâm Ngọc Linh là một loại dược liệu quý, chủ yếu phân bố trên dãy núi Ngọc Linh thuộc H.Đắk Tô, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) và H.Nam Trà My (Quảng Nam). Cũng vì chứa nhiều hoạt chất bổ dưỡng và rất quý hiếm nên sâm Ngọc Linh có giá dao động từ 150 - 300 triệu đồng/kg. Vì lợi nhuận quá lớn, nhiều gian thương đã nghĩ ra cách thu mua củ tam thất, điền trúc ở các tỉnh phía bắc. Những loại củ này có hình dạng rất giống sâm Ngọc Linh nên rất khó để phân biệt. Sau khi có hàng, những đối tượng này sẽ thuê xe khách vận chuyển vào H.Đăk Tô, Kon Tum, gắn mác sâm Ngọc Linh và rao bán trên mạng xã hội. Người tiêu dùng nếu không biết cách phân biệt sẽ dễ dàng mắc bẫy để rồi tiền mất tật mang.
Câu chuyện thứ hai: Trong vài tuần qua, ngoài thông tin diễn biến của dịch Covid-19, một vụ việc khác cũng được dư luận quan tâm, đó là một số công ty ở Mỹ, Úc đã nộp đơn đến các cơ quan hữu trách xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25. Điều đáng nói, gạo ST24, ST25 là giống gạo Việt Nam do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và lai tạo. Năm 2017, ST24 được xếp là 1 trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới. ST25 là giống gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Đến năm 2020, gạo ST25 tiếp tục được đạt giải nhì trong cuộc thi gạo ngon thế giới này.
Thương hiệu nông sản địa phương là một trong những hướng ưu tiên để xây dựng, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Bài học về việc thương hiệu gạo ST24, ST25 đang bị nước ngoài đăng ký nhãn hiệu cũng là bài học không đâu xa, để thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum tính đến bước dài hơn.
Đó cũng là cơ sở vững chắc để hành vi của những kẻ mua bán sâm Ngọc Linh giả bị xử lý đích đáng; bảo vệ uy tín cho chủ sở hữu thương hiệu, cũng như đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác truyền thông, để người dùng có thể phân biệt được đâu là sản phẩm giả mạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.