Đầu tư cơ sở vật chất để nâng chất trường nghề

14/11/2024 05:45 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội nêu thực trạng dạy nghề còn gặp một số khó khăn, trong đó có lý do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại…

Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu thực trạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chưa bảo đảm tương xứng với tiềm năng và yêu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở đô thị lớn không đủ diện tích để giảng dạy, thực hành…

Đầu tư cơ sở vật chất để nâng chất trường nghề- Ảnh 1.

Sinh viên ngành sửa chữa máy nâng chuyển Trường CĐ Lý Tự Trọng trong buổi thực hành

ẢNH: NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

Một số trường, các em sử dụng những thiết bị quá lỗi thời, khi đến làm tại các doanh nghiệp thì lại thấy hoàn toàn mới mẻ, xa lạ. Lúc đó, doanh nghiệp phải bỏ thời gian để đào tạo lại cho các em.

Thạc sĩ PHAN THỊ LỆ THU, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông

THIẾT BỊ LỖI THỜI, DOANH NGHIỆP PHẢI ĐÀO TẠO LẠI

Nói về tình trạng cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, theo thạc sĩ Trần Văn Tú, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, cơ sở vật chất, trang thiết bị là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo, là yếu tố then chốt để đáp ứng cho việc dạy và học, thực hành để rèn luyện tay nghề, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người học.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của nhà trường gặp những khó khăn nhất định. Ngoài một phần kinh phí từ ngân sách hỗ trợ cho chi thường xuyên thì nguồn thu chính của trường là từ học phí. Điều đó phụ thuộc vào công tác tuyển sinh rất lớn. Bên cạnh đó, mức thu đối với các trường công lập được thu theo quy định của nhà nước nên nguồn kinh phí thu được cũng có những hạn chế nhất định. "Nhà trường cũng rất khó khăn khi phải cân đối giữa kinh phí chi cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và các nội dung chi khác phục vụ cho hoạt động của trường", thạc sĩ Trần Văn Tú nói thêm.

Tiến sĩ Đinh Văn Đệ, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Lý Tự Trọng, cho hay trường luôn cố gắng để mua sắm vật tư, thiết bị đáp ứng đủ cho thực hành. Tiến sĩ Đệ cho rằng trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay với nhiều thay đổi về công nghệ và kỹ thuật thì cơ sở vật chất càng quan trọng trong đào tạo nghề hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với các khối ngành, nghề kỹ thuật.

Theo thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, hiện hầu như trường nào cũng đầu tư nhưng quan trọng hơn là chất lượng đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị ở mức độ nào. Thực tế có nhiều trường đầu tư rất nhiều nhưng lại mua những thiết bị lỗi thời, không phù hợp với những thay đổi của xã hội và doanh nghiệp.

"Một số trường, các em sử dụng những thiết bị quá lỗi thời, khi đến làm tại các doanh nghiệp thì lại thấy hoàn toàn mới mẻ, xa lạ. Lúc đó, doanh nghiệp phải bỏ thời gian để đào tạo lại cho các em", thạc sĩ Thu nói thêm.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỂ TIỆM CẬN YÊU CẦU DOANH NGHIỆP

Tại hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023 - 2025 hồi cuối tháng 9.2024, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị các đơn vị cần chú trọng nâng cao chất lượng các trường nghề, đầu tư cho các trường cao đẳng, trung cấp; cần đề xuất đầu tư cơ sở vật chất tiên tiến, thiết bị máy móc phục vụ dạy nghề tiên tiến, chú trọng chất lượng giáo viên đứng lớp dạy nghề, nhất là các ngành nghề tiên tiến…

Tại Trường CĐ Viễn Đông, thạc sĩ Lệ Thu cho hay đơn vị đầu tư các trang thiết bị không nhiều nhưng đó là trang thiết bị hiện đại nhất để các em thực hành.

"Đặc biệt, đa phần giảng viên của trường đến từ doanh nghiệp. Khi họ vận hành những thiết bị sẽ cảm thấy không xa vời so với đơn vị của họ. Họ có thể truyền đạt kiến thức tốt hơn, gần hơn với yêu cầu của doanh nghiệp. Đến khi ra trường các em có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp", Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông nói thêm.

Tiến sĩ Đinh Văn Đệ cho hay thời gian qua, đơn vị đã từng bước nâng cao chất lượng cơ sở vật chất như đầu tư trang thiết bị các khoa, cải tạo cơ sở hạ tầng, hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm công nghệ thực hành, chuẩn bị dự án Thư viện thông minh và Khoa Công nghệ thông tin hiện đại…

Trong khi đó, tại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất luôn được đơn vị quan tâm đầu tư để đáp ứng yêu cầu đào tạo, đồng thời tiếp cận với thực tiễn của các doanh nghiệp. Qua đó, việc đào tạo và thực hành tại nhà trường cũng tương đồng với thực tiễn tại doanh nghiệp.

"Hằng năm, nhà trường đều dành ra khoảng 5 - 10 tỉ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất và đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ cho thực hành thực tập như: các phòng chuyên cho học ngoại ngữ, phòng thực hành kế toán, phòng thực hành tài chính ngân hàng, phòng thực hành logistics, các phòng máy tính, thư viện số…", Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM thông tin.

Đầu tư cơ sở vật chất để nâng chất trường nghề- Ảnh 2.

Trường CĐ Viễn Đông được tặng ô tô phục vụ cho sinh viên thực hành

ẢNH: NHÀ TRƯỜNG CUNG CẤP

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP

Cùng với sự nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng cao cơ sở vật chất để phù hợp với bối cảnh hiện nay, thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã có nhiều sự hỗ trợ cho các đơn vị.

Tiến sĩ Đinh Văn Đệ thông tin trong thời gian qua, doanh nghiệp đồng hành với nhà trường trong việc trang bị các thiết bị, máy móc để thực hành như: Công ty TNHH Việt Nam Suzuki tặng cho trường ô tô SWIFT và mô tô V-strom; Công ty TNHH Ô tô Mitsubishi Việt Nam tặng ô tô Outlander cho sinh viên thực hành…

Trong khi đó, cuối tháng 10 vừa qua, Mitsubishi Việt Nam cũng đã trao tặng 1 ô tô Xpander cho Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, nhằm phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên Khoa Cơ khí ô tô. Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết với ô tô vừa được trao tặng, sinh viên trường có trang thiết bị hiện đại để thực hành nhằm đáp ứng tốt cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Ông Yanagawa Tomoki, Tổng giám đốc Công ty Mitsubishi Việt Nam, bày tỏ mong muốn đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, đặc biệt là giáo dục thế hệ trẻ. Ông hy vọng xe mà công ty tài trợ sẽ giúp củng cố thêm kiến thức và kỹ năng cho học sinh, sinh viên trong quá trình học và thực hành tại nhà trường.

Theo thạc sĩ Phan Thị Lệ Thu, đối với cơ sở ngoài công lập thì bên cạnh nguồn lực tài chính của đơn vị, trường phải tận dụng cơ hội liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho trường trong công tác đào tạo, từ đó đáp ứng được nhu cầu thực tế mà doanh nghiệp cần.

"Đơn vị thường xuyên được các doanh nghiệp tài trợ cơ sở vật chất để đảm bảo thực hành. Trong đó, Tập đoàn Azurit Hansa (Đức) tài trợ máy nâng bệnh nhân và một số thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ cho công tác đào tạo khối ngành y", thạc sĩ Thu cho biết thêm.

Nguyện vọng của sinh viên

Nguyễn Thị Thương, sinh viên theo học ngành tiếng Anh thương mại tại một trường cao đẳng tại TP.HCM, chia sẻ trong thời gian học tập ở trường, em thấy cơ sở vật chất cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của em. Vì đặc thù chương trình đào tạo, phần lớn em chỉ học trên lớp hoặc ở phòng nghe.

Trong thời gian tới, Thương mong muốn nhà trường sẽ đầu tư thêm các lớp học chuyên môn với thiết bị âm thanh tốt, ti vi, máy chiếu chất lượng cao, "xịn" như rạp chiếu phim và không gian học tập rộng rãi, thoải mái hơn…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.