Đầu tư công tăng tốc: Sâu sát đến từng địa phương

16/05/2023 04:48 GMT+7

Giải ngân hết 95% tổng vốn đầu tư công kỷ lục khoảng 700.000 tỉ đồng được giao trong năm 2023 là mục tiêu Chính phủ đặt ra, với kỳ vọng tạo động lực cho nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Đã có những chuyển động tích cực

Tính đến hết tháng 4, cả nước đã giải ngân được 110.633 tỉ đồng, dư địa vốn còn phải giải ngân từ nay đến hết năm 2023 còn hơn 555.000 tỉ đồng (nếu tính mục tiêu 95%). Như vậy, mỗi tháng còn lại trung bình phải giải ngân ít nhất gần 70.000 tỉ đồng. Đây thực sự là bài toán khó cần rất nhiều nỗ lực để hoàn thành.

Đầu tư công tăng tốc: Sâu sát đến từng địa phương - Ảnh 1.

TP.HCM đang nỗ lực vực dậy giải ngân cũng như tăng trưởng GDP trong các quý còn lại của năm

NGỌC DƯƠNG

Sốt ruột với kết quả giải ngân chậm năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, giữa tháng 3.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định thành lập 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành cả nước. 3 phó thủ tướng và 2 Bộ trưởng KH-ĐT và Tài chính trực tiếp làm trưởng đoàn đã liên tục có các cuộc làm việc thực tế với địa phương, nhận diện những điểm yếu cũng như đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Cuối tháng 4, làm việc với 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là TP.HCM, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long và Sóc Trăng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1, đã chỉ rõ: Tại sao cùng một môi trường pháp lý, Chính phủ chỉ đạo công khai, minh bạch, công bằng, "không ưu ái" địa phương nào mà nơi giải ngân đầu tư công tốt, nơi lại không? Theo Phó thủ tướng, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, "ở đâu người đứng đầu quan tâm nắm bắt tình hình, sát sao chỉ đạo, ở đó công việc được triển khai hiệu quả". Lãnh đạo UBND tỉnh cần trực tiếp phụ trách, đôn đốc triển khai các nhóm dự án cụ thể, nhất là các dự án, công trình trọng điểm.

Từ sự vào cuộc của người đứng đầu Chính phủ, đã có sự đối thoại thẳng thắn giữa TP với T.Ư, giữa T.Ư với TP. Đây là sự chuyển biến tích cực rõ ràng nhất của bộ máy hiện nay. Không còn tình trạng vướng cũng không dám nói, không dám hỏi, không dám giải quyết, rồi mọi việc cứ đứng như giai đoạn trước.

Ông Huỳnh Thanh Điền

Trong báo cáo gửi Quốc hội đầu tháng 5, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân toàn bộ vốn ngân sách năm 2023, Chính phủ sẽ tập trung nhiều giải pháp, như đẩy mạnh hoạt động 5 tổ công tác; có chế tài xử lý nghiêm khắc với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

Thực tế, sau những chuyến làm việc liên tục của các tổ công tác Chính phủ, đã có những chuyển biến khá tích cực từ nhiều địa phương. Đơn cử như Bến Tre, 4 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân của tỉnh này thuộc nhóm cao. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng đã ký quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra tình hình, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Quảng Ninh đạt tỷ lệ giải ngân 15,2% - mức bình quân chung cả nước, song theo đánh giá của Sở KH-ĐT tỉnh, tỷ lệ này vẫn chưa đạt kỳ vọng đề ra, ảnh hưởng đến chất lượng, tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh. UBND tỉnh đã yêu cầu rà soát lại tiến độ giải ngân từng đơn vị, địa phương, tháo gỡ các khó khăn cụ thể về thủ tục, đất đai, yêu cầu người đứng đầu phải chịu trách nhiệm giải trình…

XỐC lại tăng trưởng TP.HCM

Với đầu tàu tăng trưởng kinh tế cả nước là TP.HCM, tỷ lệ tăng trưởng ở mức rất thấp cũng như kết quả giải ngân chỉ đạt 4% trong 3 tháng đầu năm mang tính báo động. Năm 2022 tỷ lệ giải ngân của TP cũng chỉ đạt 71,3%, trong khi mục tiêu của TP.HCM trong cả năm 2022 và 2023 là giải ngân 95% trở lên.

Để gỡ khó cho đầu tư công, Thường vụ Thành ủy TP.HCM thành lập 13 tổ kiểm tra, đôn đốc 38 công trình, dự án trọng điểm. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ giao ban hằng tuần về công tác giải phóng mặt bằng cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ từng đầu việc, từng dự án.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu từng sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải rà soát lại công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ, quyết liệt để đưa TP sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đặc biệt, đối với nhóm công việc cần sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, ông Mãi yêu cầu các đơn vị chấm dứt việc chờ đợi nhau khi xin ý kiến.

Ngày 18.6, khởi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Ngày 15.5, Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được địa phương tổ chức khởi công vào ngày 18.6 tới.

Đến nay, UBND TP.Bà Rịa và TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã hoàn thành công tác kiểm kê, phê duyệt giá đất bồi thường trên toàn tuyến đạt 100%. Tính đến ngày 5.5, tổng kinh phí bồi thường đã ban hành quyết định phê duyệt là hơn 1.360 tỉ đồng cho 659 hộ, tổ chức. Tổng kinh phí đã chi trả là hơn 1.000 tỉ đồng cho 462 hộ, tổ chức.

Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài khoảng 53,7 km. Trong đó dự án thành phần 3 qua địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài tuyến 19,5 km. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe cao tốc; giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6 làn xe cao tốc. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành trước ngày 2.9.2025 và nghiệm thu hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trước ngày 30.12.2025.

Nguyễn Long

Giữa tuần trước, UBND TP.HCM đã công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của TP năm 2022, cũng như kế hoạch cải thiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số PAPI của TP năm 2023. Đây cũng là năm đầu tiên TP tổ chức đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các sở, ban, ngành, địa phương. Các chỉ số này cũng phản ánh ý kiến, mong muốn của doanh nghiệp, là cơ sở cho các cơ quan đơn vị soi vào để có giải pháp nâng cao hiệu quả, cải thiện chất lượng phục vụ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.

"Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, là mệnh lệnh hành động của TP trong giai đoạn hiện nay để làm sao tạo sự chuyển biến trên thực tế, cải thiện không chỉ bằng các chỉ số do các tổ chức đánh giá mà bằng sự hài lòng thật sự của cộng đồng doanh nghiệp, người dân", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền (Trường đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) nhận xét dù chưa ghi nhận quá nhiều chuyển biến nhưng phải công nhận đang có một bầu không khí khẩn trương, quyết liệt được triển khai xuyên suốt từ T.Ư tới địa phương, đặc biệt là TP.HCM. Theo ông Điền, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song thực tế cho thấy TP đang rất tích cực đề xuất gỡ vướng các chính sách.

Ông Điền cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân cơ bản biến chậm giải ngân vốn đầu tư công thành căn bệnh trầm kha suốt nhiều năm nay. Trong đó, yếu tố mang tính quyết định nhất là tình trạng lãnh đạo các cấp có tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm.

"Ngoài ra còn khó khăn do quy định quá chồng chéo, luật này "đá" luật kia. Đơn cử như TP.HCM được nhiều cơ chế đặc thù nhưng đến khi chi tiền lại vướng đủ luật, đứng máy toàn bộ. Hiện không có quy định nào liên thông từ đầu tới cuối nên trong quá trình phối hợp, các dự án thường xuyên vướng mắc và chậm trễ, không đủ điều kiện để giải ngân. Chưa kể, đầu tư công không thể phát huy kết quả lập tức mà phải có độ trễ khoảng 3 - 4 tháng để thấy được sự chuyển biến rõ rệt. Quan trọng là các cấp lãnh đạo đã đứng dậy, bộ máy đã bắt tay vào việc thì từng đầu việc sẽ được giải quyết, tạo hiệu quả trong tương lai", ông Điền kỳ vọng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.