Đầu tư đột phá cho hành trình đến World Cup 2026

11/01/2022 08:29 GMT+7

bóng đá' target='_blank' rel='noopener noreferrer'>bóng đá Việt Nam">Bóng đá Việt Nam có tiềm năng dự World Cup, nhưng để không phải là lý thuyết suông mà có thể thành hiện thực ở tương lai gần, đòi hỏi các nhà quản trị bóng đá nước nhà phải có tầm nhìn chiến lược, xác lập được những kế hoạch thật chi tiết.

Những phát ngôn thấm thía

Cựu HLV đội U.19 Việt Nam, ông Troussier từng khẳng định rằng bóng đá Việt Nam chưa thể vội nghĩ ngay đến việc tham dự World Cup 2022, nhưng World Cup 2026 thì hoàn toàn có thể nếu như ngành thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng vào cuộc một cách quyết liệt, càng sớm càng tốt. HLViệt Namngười Pháp này cũng chỉ ra những mặt còn thiếu sót hoặc chưa đạt được sự đồng bộ cần thiết trong toàn bộ hệ thống phát triển, đầu tư của bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam cần nuôi dưỡng giấc mơ World Cup

ngọc linh

Còn HLV Park Hang-seo có những phát ngôn cực kỳ thấm thía về giấc mơ World Cup của Việt Nam. Ông nhận định: “Nếu coi cầu thủ là một gói sản phẩm thì muốn nó trở nên hoàn thiện, không thua kém chất lượng so với những gói sản phẩm ở các nền bóng đá khác thì cầu thủ phải được chăm bẵm bài bản, tử tế. World Cup không bao giờ là mục tiêu trong tầm tay của bất kỳ đội bóng nào trên thế giới, mà phải chiến đấu để đoạt được mục tiêu đó. Hãy làm ngay những việc mà bấy lâu nay bóng đá Việt Nam chưa thực sự coi trọng. Như phải xây dựng được một đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực, bao gồm dinh dưỡng, kỹ thuật, tâm lý, thể lực.

Choáng với giá chuyển nhượng của 'Messi Thái', Quang Hải và Hoàng Đức có nên xuất ngoại?

Đừng đổ đồng việc chăm sóc lứa U.10 với U.17, U.19 là như nhau khi thể trạng, tâm sinh lý, sự phát triển về nhận thức, tư duy của mỗi lứa tuổi đều có sự khác nhau. Chúng ta không thể có được một đội tuyển quốc gia tốt nếu như công tác đào tạo trẻ không tốt. Hãy hỗ trợ đội tuyển bằng cách sử dụng nhiều hơn cầu thủ trẻ ở hệ thống bóng đá chuyên nghiệp trong nước. Chính phủ Việt Nam phải có sự chỉ đạo mạnh mẽ trong lộ trình World Cup của Việt Nam. Còn VFF cần có kế hoạch dài hạn, xây dựng đội ngũ nhân sự. Phải có sự chuẩn bị thật tốt, thật nhanh, thật quyết liệt vì mục tiêu World Cup. Tương lai của bóng đá Việt Nam là phải đến được sân chơi World Cup. Phải thật sự sẵn sàng cho tương lai đó và phải hành động”.

Sẽ khỏa lấp những gì còn thiếu

Đồng quan điểm với ý kiến của các chuyên gia ngoại, quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: “World Cup 2026 là nhiệm vụ và đích đến của VFF khi số lượng đội dự vòng chung kết được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) mở rộng từ 32 lên 48 đội. Trên thực tế, chúng ta cũng đang có lực lượng kế thừa cho các năm tiếp theo với nguồn đóng góp đang ngày càng dồi dào hơn từ các CLB, trung tâm đào tạo trong cả nước. Nhưng lực lượng kế thừa này sẽ chỉ trở thành thế hệ thực sự tinh nhuệ, có đủ bản lĩnh dày dạn trên trường quốc tế, đủ trình độ chuyên môn để cạnh tranh với những đối thủ giỏi nhất châu lục, khi và chỉ khi được cọ xát liên tục, được đầu tư đột phá về mọi mặt. Nhìn lại những gì mà tuyển Việt Nam đã thể hiện tại sân chơi châu Á 2 năm qua tính đến thời điểm này, VFF vui vì trước mắt chúng ta đã hoàn thành được mục tiêu ban đầu là lọt vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022, nhưng cũng lo bởi đúng là khi ra biển lớn, chúng ta còn thiếu nhiều thứ. Trách nhiệm của VFF là phải khỏa lấp những cái còn thiếu đó. Sự bền vững của bóng đá Việt Nam phải được xây dựng lại một cách khoa học hơn, chuyên nghiệp hơn. Đã đến lúc, Việt Nam phải sẵn sàng cho mục tiêu World Cup 2026”.

Kế hoạch nào cho đội tuyển Việt Nam và các tuyển thủ trẻ trong năm 2022

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, ở một số giải đấu lớn, VFF sẽ không quá đặt nặng chỉ tiêu hay đưa ra thành tích cụ thể mà sẽ biến các giải đấu lớn với những đối thủ mạnh làm đối tượng cọ xát hiệu quả cho các lứa trẻ của Việt Nam. Điển hình thay vì đội Olympic, VFF sẽ cử đội U.21 Việt Nam dự ASIAD 19 vào tháng 9 năm nay tại Hàng Châu (Trung Quốc). Ông Tuấn lý giải: “Chúng tôi học tập Nhật Bản khi năm 2018, Nhật Bản từng cử đội U.21 đá ASIAD nhằm chuẩn bị cho Olympic 2020. Đội U.21 Việt Nam được dự ASIAD và sau đó là SEA Games 32 năm 2023. Chúng tôi sẽ đầu tư cao cho lứa này, cũng như đội U.17, U.23 Việt Nam. VFF có những hợp tác thỏa thuận với nhiều nước tại châu Á, châu Âu và sẽ tận dụng tối đa mối quan hệ quốc tế này để các đội trẻ được ra nước ngoài tập huấn, thi đấu. Khi các cầu thủ tài năng được tiếp xúc sớm với môi trường bóng đá đỉnh cao ở nước ngoài, họ sẽ trở thành nòng cốt đáng tin cậy của đội tuyển quốc gia. Trước mắt, U.17 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ sang Đức tập huấn, đấu giao hữu với đội trẻ của 6 CLB hàng đầu giải vô địch quốc gia Đức như: Borussia Dortmund, Borussia Monchengladbach, Eintracht Frankfurt”.

Phải có nhiều tiền

Một vấn đề khác được đặt ra, hành trình World Cup luôn song hành với câu chuyện về tiền bạc. Mọi kế hoạch dù có bài bản đến đâu, nếu không có tiền, cũng sẽ không thể thực hiện được một cách hiệu quả. Trong mấy năm qua, dấu hiệu đáng mừng là VFF làm ăn tương đối hiệu quả nhờ hiệu ứng tích cực từ thành tích quốc tế của các đội tuyển. Tuy nhiên, con số vài trăm tỉ đồng/năm cũng chưa thể đủ bởi hoạt động bóng đá mà VFF phải chăm lo là rất nhiều. Công tác đào tạo trẻ hay nuôi dưỡng các lứa U cần thêm rất nhiều công sức và kinh phí. Muốn có được đội ngũ chuyên gia giỏi về thể lực, dinh dưỡng, y tế…, phải có chế độ đãi ngộ cao. Hiện tại, việc trả lương cho các HLV vẫn thông qua các đối tác chiến lược của VFF. Thời gian tới, VFF cần phải biết khai thác mạnh mẽ hơn các nguồn lực xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.