Xây dựng hơn 600 công trình cơ sở hạ tầng
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định, cho biết giai đoạn 2019 - 2024, hơn 600 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí trên 1.172 tỉ đồng từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương.
Đến nay, các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu.
"Thực hiện Chương trình 135 ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã mang lại hiệu quả tích cực, cơ sở hạ tầng được cải thiện, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những thay đổi đáng kể; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, phong tục tập quán sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, năng suất được nâng lên, cơ cấu cây trồng vật nuôi được chuyển đổi", ông Lung nói.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Phát biểu tại đại hội, ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Đồng thời, quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm vệ sinh môi trường… góp phần xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, bày tỏ vui mừng trước những thay đổi của vùng đồng bào miền núi, với điện, đường, trường, trạm, nhà cửa khang trang, được chứng kiến những thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc qua các phong trào thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững... Từ những phong trào này đã xuất hiện không ít những hộ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất giỏi, không ít những già làng, trưởng thôn trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc, tích cực tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Ông Hồ Quốc Dũng cho biết, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác, chính sách dân tộc; phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của các dân tộc trong sản xuất và đời sống; tăng cường vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong việc vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng khu dân cư đoàn kết, phát triển...
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định cư trú ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện, chiếm 48,4% so diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 21 xã đặc biệt khó khăn (xã thuộc khu vực III), có 39 thành phần dân tộc thiểu số cùng sinh sống và trên 11.000 hộ với dân số trên 47.000 người, chiếm khoảng 2,99% dân số toàn tỉnh.
Bình luận (0)