Đã có nhiều nhà đầu tư từ châu Âu vào Việt Nam thực hiện các dự án đầu tư vào dệt may, nhuộm, sợi, để cùng ngành này hoá giải thách thức về quy tắc xuất xứ nhằm hưởng ưu đãi thuế quan khi Hiệp định thương mại với châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.
Thông tin trên được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết tại toạ đàm "Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu", do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức sáng nay, 2.8.
Một trong những vấn đề chính được đặt ra tại buổi toạ đàm là làm sao để dệt may Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế quan vào thị trường châu Âu, khi mà các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ cao của hiệp định đang được cho là thách thức lớn với các doanh nghiệp ngành dệt may của chúng ta, vốn đã quen gia công là chính.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương), cho hay so với quy tắc ưu đãi thuế quan phổ cập chung (GSP) trước đây, thì Hiệp định EVFTA có những thay đổi, song khác biệt không quá lớn.
“Theo đó, Việt Nam phải sản xuất trên 50% giá trị. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp của chúng ta có kinh nghiệm làm ăn với châu Âu lâu rồi nên đã có những bước chuẩn bị. Ngoài ra, hiệp định cũng có một số quy tắc linh hoạt như cộng gộp với nguyên liệu nhập từ các đối tác mà EU có hiệp định, như Hàn Quốc”, ông Thái nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc nguồn cung nguyên phụ liệu là thách thức lớn, không chỉ cho dệt may mà còn với nhiều ngành hàng khác trong việc tận dụng các cơ hội để hưởng ưu đãi thuế.
"Dệt may không phải là ngành được đánh giá là được hưởng lợi nhất khi có hiệp định. Nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy đầu tư vào các ngành vốn là thắt ngưỡng nguồn cung như dệt, nhuộm, sợi, thiết kế… để nâng giá trị trong đường cong chuỗi giá trị của sản phẩm dệt may”, bà Trang nói.
Từ góc độ người làm trực tiếp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết trước đây đầu tư nước ngoài vào dệt may không có lực hút, nhưng 3 năm nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn từ Mỹ, châu Âu đã vào nhiều.
“Mới đây, 1 tập đoàn Đức đã đầu tư dự kéo sợi len lông cừu lớn vào ngay trung tâm Đà Lạt. Rồi tập đoàn Israel, rồi của Mỹ đầu tư vào dệt ở Bình Định, nhuộm ở Nam Định...”, ông Giang dẫn chứng, đồng thời cho hay đang có một làn sóng đầu tư FDI vào nguyên phụ liệu dệt may.
Vị này nói thêm rằng, đến nay Việt Nam đã có 10 triệu cọc sợi, năm 2018 xuất khẩu sợi đã thu về trên 3 tỉ USD và đặc biệt, năm nay sợi sẽ không còn không phụ thuộc Trung Quốc nữa mà ngược lại, dự kiến sẽ có khoảng 1,8 tỉ USD thu về từ thị trường này.
Có lo ngại thu hút ngành ô nhiễm môi trường?
Trước lo ngại việc thu hút đầu tư nhiều vào các ngành nhuộm, dệt - vốn là các ngành gây ô nhiễm môi trường, ông Giang thừa nhận, trước đây các địa phương rất quan ngại do nhận thức chưa đầy đủ.
“Giờ công nghệ rất khác, khi chúng tôi mời lãnh đạo địa phương về Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định), đứng sát nhà máy mà không hề thấy màu, mùi như trước. Thậm chí, giờ chúng ta đã sang giai đoạn dùng lại nguồn nước”, ông Giang nói.
Cũng theo ông Giang, luật chơi mới là giờ các đối tác, khách hàng họ đánh giá yêu cầu về môi trường thậm chí khắt khe hơn địa phương, nếu không tuân thủ điều khoản môi trường, lao động, thì không có đơn hàng. Như với đơn hàng của Nike, họ không chấp nhận doanh nghiệp Việt dùng nồi hơi tập trung, buộc chúng ta phải dùng nồi hơi điện. Và để tránh chi phí điện lên quá cao, doanh nghiệp buộc phải lắp điện mặt trời để hạ giá thành.
Ông Lương Hoàng Thái thì cho hay: “EVFTA có chương trình phát triển bền vững, trong đó dẫn chiếu các công ước về môi trường, tiêu chuẩn quốc tế chung mà hai bên phải cam kết thực hiện tốt, nhất là khâu thực thi để triển khai tiêu chuẩn đó. Họ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật để chúng ta xây dựng năng lực cho cơ quan thực thi, thay vì chỉ đặt gánh nặng này lên vai doanh nghiệp như trước”, ông Thái nói.
Bình luận (0)