Khách hàng chỉ chăm chăm kiếm cổ tức
Tiếp tục mạch câu chuyện về lỗ hổng pháp lý cho loại hình condotel, TS Lương Hoài Nam thông tin đầu năm qua, Hội đồng Tư vấn du lịch bất ngờ nhận được yêu cầu nghiên cứu và cho ý kiến với Chính phủ về loại hình condotel. Lý do đơn vị này được đóng góp ý kiến là do cả xã hội đang trong hành trình đi tìm cơ sở pháp lý cho condotel nhưng tìm khắp nơi, từ luật Xây dựng đến luật Bất động sản... đều không thấy, trừ luật Du lịch.
Theo ông, chiếu theo đúng Điều 48 - luật Du lịch, condotel được định nghĩa là biệt thự du lịch hoặc căn hộ du lịch, không có khái niệm căn hộ dịch vụ. Đối với ngành du lịch, condotel được nhận định là cơ sở lưu trú quan trọng trong bối cảnh thực trạng hiện nay có quá ít cơ sở có chất lượng phục vụ du lịch cao cấp. Đến hết 2018, trong 15.626 cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước với tổng số 353.293 buồng, chỉ có 965 cơ sở từ 3 sao trở lên, chiếm khoảng 6%, số buồng chiếm 35,9%. "Cơ sở du lịch có chất lượng phục vụ du lịch cao cấp đang rất thiếu. Do đó, condotel là loại hình cơ sở du lịch phù hợp, cần thiết, tốt cho sự phát triển của du lịch" - đại diện Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
|
Tuy nhiên TS Lương Hoài Nam đánh giá thời gian qua xảy ra rất nhiều khủng hoảng liên quan đến loại hình này như câu chuyện Cocobay Đà Nẵng mới đây. Nguyên nhân là ở một số dự án xuất hiện biến tướng từ sản phẩm bất động sản thành sản phẩm tài chính phái sinh, biến tướng thành chứng khoán phái sinh. Cụ thể, nếu là bất động sản du lịch, nhà đầu tư thứ cấp sẽ chỉ quan tâm vị trí có đẹp không, tiềm năng phát triển thị trường cao không, chất lượng xây dựng của chủ đầu tư thế nào, giá cả có phù hợp không và quản lý vận hành như 1 sản phẩm du lịch có tốt không. "Thế nhưng thực tế, chủ đầu tư, người mua hiện nay chỉ chăm chăm quan tâm số phần trăm lợi tức được cam kết là bao nhiêu, biến condotel thành chứng khoán phái sinh hoàn toàn. Họ không quan tâm giá cả, không quan tâm vị trí, chất lượng... chỉ cần biết mỗi năm được chia bao nhiêu tiền lời. Người mua đang nhìn nhận, mua bán, giao dịch condotel như 1 sản phẩm chứng khoán. Đó chính là biến tướng, biến thái, làm hỏng hết câu chuyện condotel" - ông Nam chỉ rõ.
Cần sổ đỏ mang đúng tên condotel
Giải quyết câu chuyện này thế nào, TS Lương Hoài Nam nhận định trong bối cảnh mọi người đang đầu tư, xây dựng, mua bán một sản phẩm mà đang "đỏ mắt" đi tìm cơ sở pháp lý thì phải hợp tác với nhau để cùng tháo gỡ. Chủ đầu tư có quyền xây, quyền bán, người mua có quyền mua nhưng phải kiên nhẫn, không thể tự do làm những thứ luật pháp không cấm nhưng lại năng nặc đòi những thứ luật pháp chưa có.
"Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam kiến nghị Thủ tướng dựa vào hệ thống pháp luật hiện hành, coi như một bước triển khai luật Du lịch, cấp giấy chứng nhận quyền tài sản của condotel, cần loại sổ đỏ mang đúng tên căn hộ du lịch hoặc biệt thự du lịch, thời hạn bằng thời hạn dự án. Dự án có thời hạn bao nhiêu năm thì cấp giấy chứng nhận bấy nhiêu năm, không cấp dài hạn hoặc thời hạn vĩnh viễn. Khi không còn các cam kết lợi nhuận thì condotel sẽ ổn định giá, trở về đúng giá thị trường, không còn giá trên trời như hiện nay. Thị trường condotel sẽ phát triển bền vững và lành mạnh, trở thành công cụ đắc lực để phát triển du lịch" - ông Nam nói.
|
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HĐQT VMC Group nhận định nút thắt chính của condotel là do lỗi hệ thống từ đầu, không thống nhất về loại hình trong cấp giấy chứng nhận. Chủ đầu tư có quyền quảng cáo dự án của mình với nhiều "mỹ danh" nhằm đa dạng sự lựa chọn tới du khách. Tuy nhiên về vấn đề pháp lý, trên giấy tờ vẫn phải quy về chung một khái niệm. Nếu từ phía nhà nước tới chủ đầu tư thống nhất định danh condotel là căn hộ du lịch hay biệt thự du lịch, cấp giấy chứng nhận rõ ràng thì sẽ không còn tranh cãi, không xảy ra những bất cập, rủi ro trong quá trình giao dịch như câu chuyện Cocobay vừa xảy ra.
Bình luận (0)