Đau và vui cùng người bệnh

27/02/2015 04:59 GMT+7

Đó là ý trong bức thư của Bác Hồ gửi Hội nghị ngành y tế ngày 27.2.1955: 'Cán bộ (y tế) cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn'. Câu chuyện của ngành y thực chất là câu chuyện của tấm lòng người thầy thuốc.

Đó là ý trong bức thư của Bác Hồ gửi Hội nghị ngành y tế ngày 27.2.1955: “Cán bộ (y tế) cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Câu chuyện của ngành y thực chất là câu chuyện của tấm lòng người thầy thuốc.
Tôi đọc trên một tờ báo chuyện hai bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng, trong ngày mùng 5 tết vừa qua đã tình nguyện hiến 3 đơn vị máu cứu một sản phụ người dân tộc đẻ khó, tiểu cầu thấp. Những chuyện bác sĩ hay y tá hộ lý hiến máu cứu người bệnh, nhất là ở phòng cấp cứu, là chuyện từ bao năm nay vẫn xảy ra trong bệnh viện, nhưng rất ít người biết. Chính những người hiến máu cũng không muốn nói ra những chuyện này, vì họ coi đó là hành động “không thể không làm” trong trường hợp bệnh nhân cần được cấp cứu tính mạng.
Y đức là cái gì hết sức cụ thể, chứ không phải là lý thuyết. Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều bác sĩ hay y tá trực ở bệnh viện: họ gần như không ngủ suốt ca trực, luôn tỉnh táo và nhanh nhẹn trong những trường hợp cần xử lý, luôn có những lời nói thân tình nhằm giữ tinh thần cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Những chuyện đó họ làm rất bình thường, cũng vì bình thường và lặp đi lặp lại nên rất ít người để ý. Vai trò của người thầy thuốc trong điều trị bệnh là rất lớn, nhưng nhiều khi tôi có cảm giác họ ẩn mình phía sau công việc họ làm, và chỉ để công việc lên tiếng, kết quả của điều trị lên tiếng. Y đức thực sự vốn khiêm nhường và ít lời như vậy.
“Sau khi hiến máu, chúng tôi tiếp tục ca trực. Cảm giác khi phụ mổ cho sản phụ mà trong đó máu truyền cho sản phụ chính là của mình thì xúc động lắm”. Một trong hai bác sĩ phụ sản ở Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng tâm sự như vậy. Họ không đưa số điện thoại cho người nhà bệnh nhân để nhận lời cảm ơn, vì họ nghĩ việc mình làm là bình thường, bác sĩ nào cũng sẽ làm như vậy trong trường hợp cần thiết.
Người bệnh thường có nhiều tâm trạng bất an khi mang bệnh tật. Chính những khi đó, họ cần nhất là thái độ của người thầy thuốc, tấm lòng của người thầy thuốc, và cuối cùng, là tài năng của người thầy thuốc có thể giúp mình thoát bệnh tật hiểm nguy. Luôn luôn với người thầy thuốc là câu chuyện giữa họ với bệnh nhân, từ chỗ gần như không biết nhau tới chỗ gần gũi, quan tâm, tận tụy với người bệnh như với người thân của mình. Đó là quá trình hình thành một mối quan hệ đặc biệt nhiều khi không chỉ khiến người trong cuộc mà cả người ngoài khi biết chuyện phải rơi nước mắt. Đó là sự cảm động đặc biệt của một nghề đặc biệt, xảy ra trong một môi trường đặc biệt.
Thầy thuốc không làm việc với cỗ máy, với những chi tiết máy, mà làm việc trực tiếp với con người, không hồi phục một cỗ máy, mà trả lại cuộc sống bình thường cho bệnh nhân. Có rất nhiều cảm xúc được dồn nén, nhiều tình cảm ẩn sâu dưới lớp áo choàng trắng, trong một vẻ ngoài nhiều khi như khô khan, lặng lẽ.
Thầy thuốc là một nghề vừa kỹ năng vừa sáng tạo, và tôi không ngạc nhiên khi biết nhiều thầy thuốc đã là những nhà văn nhà thơ, những họa sĩ nổi tiếng. Họ tìm đến nghệ thuật như một sự chia sẻ, một sự thổ lộ sau biết bao dồn nén nhọc nhằn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.