Dấu vết người tiền sử ở Việt Nam

30/09/2018 06:29 GMT+7

Người tiền sử đã có mặt ở nhiều vùng khác nhau trên lãnh thổ VN cách đây từ 3.000 - 800.000 năm. Đó là những phát hiện qua khảo cổ học gây kinh ngạc với thế giới.

Chiều 29.9, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã diễn ra hội nghị công bố kết quả khảo cổ học VN năm 2018, do Viện Khảo cổ học VN phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức.
Tìm thấy di cốt người tiền sử
Phát hiện khảo cổ học gây chú ý tại hội nghị công bố kết quả lần này là kết quả khảo cổ học thuộc nhóm di tích Rộc Tưng (gồm Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4, Rộc Tưng 7) và thám sát Rộc Tưng 6, 8 thuộc TX.An Khê (tỉnh Gia Lai).
PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN, cho biết: “Các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê được phát hiện từ năm 2014. Từ đó đến nay, năm nào cũng có những công bố mới về nhóm di tích này và đều mang tính thời sự”.
Trong năm 2018, cuộc khai quật mở rộng nhóm di tích Rộc Tưng được Viện Khảo cổ học VN phối hợp với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (Nga) và Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai tiếp tục thực hiện đã ghi nhận ở thung lũng An Khê tồn tại một cộng đồng cư dân cổ, có niên đại đồng vị phóng xạ Kali Argon như đã phân tích các mẫu tectit ở Rộc Tưng 1 là 782.000 ±20.000 năm trước Công nguyên và Gò Đá là 806.000 ±22.000 năm trước Công nguyên.
“Hiện tại, tất cả di tích và di vật của hố khai quật Rộc Tưng 1 đã được bảo lưu tại chỗ trong nhà mái che và là điểm tham quan, nghiên cứu duy nhất hiện nay về khảo cổ học sơ kỳ đá cũ ở VN”, TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học VN, cho biết.
Ngoài nhóm di tích Rộc Tưng, kết quả khảo cổ học ở Tây nguyên còn phát hiện địa bàn cư trú của người tiền sử diễn ra liên tục từ 7.000 - 4.500 năm trước Công nguyên ở di tích hang C6’ và hang C6-1 thuộc hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Cuộc khai quật do Bảo tàng Thiên nhiên VN, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN thực hiện năm 2018.
Kết quả khảo cổ cho thấy địa tầng hang C6-1 dày 1,85 m, cấu tạo từ 8 lớp đất kế tiếp nhau, phản ánh 2 giai đoạn văn hóa sớm -muộn. Giai đoạn sớm, gồm 7 lớp (2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8), niên đại từ 7.000 - 5.000 năm trước Công nguyên, được xếp vào trung kỳ Đá mới. Giai đoạn muộn, gồm các lớp 1, thuộc hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí, niên đại 5.000 - 4.000 năm trước Công nguyên. Tại đây, các nhà khảo cổ học còn phát hiện một bộ di cốt trẻ em khoảng 4 tuổi ở địa bàn cư trú, mộ táng của cư dân tiền sử.
Đoàn nghiên cứu cũng đã khảo sát ven dòng sông Sêrêpốk (Đắk Lắk) và tại khu vực thác Trinh Nữ đã phát hiện một số di tích, công cụ đá, đồ gốm tiền sử. Phát hiện này đã bổ sung tư liệu về hoạt động của con người trong các hang động núi lửa Krông Nô.
Phát hiện bổ sung cho lịch sử
Theo PGS-TS Nguyễn Giang Hải, bên cạnh những phát hiện mang tính thời sự về thời tiền sử ở Tây nguyên, khảo cổ học VN cũng đã có nhiều phát hiện mới quan trọng. Đáng chú ý như phát hiện mũi khoan đá ở Hoa Lộc (Thanh Hóa) của các nhà khảo cổ VN và Đại học Quốc gia Úc trong cuộc khai quật năm 2017. Theo đó, lần đầu tiên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện mũi khoan đá, được chế tác từ nguồn nguyên liệu tại địa phương. Việc phát hiện mũi khoan đá đã làm thay đổi tính chất của địa điểm khảo cổ học này, vốn rất nổi tiếng trước đây với các hiện vật được gọi là “dấu Hoa Lộc”.
Kết quả khảo cổ học tại di tích thành cổ Luy Lâu, đợt thứ 4 trong chương trình hợp tác nghiên cứu dài hạn giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã xác định hào phía đông thành thuộc thời Hán, phần hào phía đông Thành Nội thời kỳ Lục Triều. Các di vật gồm gạch, ngói, đầu ngói ống trang trí hình mặt người và hoa sen, gốm sành, sứ, hạt chuỗi thủy tinh... Tiếp đó, kết quả khai quật năm 2017 của Trường đại học KHXH-NV Hà Nội tiếp tục khẳng định Luy Lâu là một di chỉ cư trú có niên đại kéo dài trong thời Bắc thuộc. Kết quả khai quật khu vực phía Đông Bắc di tích nền điện Kính Thiên của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, phía đông nam khu vực hành cung thời Nguyễn với các dấu tích kiến trúc xuất lộ cho thấy thêm tầng văn hóa diễn biến phức tạp, các di tích chồng xếp, cắt phá nhau, chưa đủ cơ sở để nhận định về quy mô rộng lớn từ di tích, do đó cần phải đợi các đợt nghiên cứu tiếp theo. Đáng chú ý, các dấu tích kiến trúc thời Trần có dải nền trang trí hoa chanh lớn nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh các phát hiện mới của khảo cổ học lịch sử, khảo cổ học Chămpa - Óc Eo, khảo cổ học dưới nước cũng có bước tiến với nhiều kết quả quan trọng. Bên cạnh đó, những kết quả phân tích đầu tiên của chương trình hợp tác nghiên cứu về ADN trong khảo cổ học giữa VN và Đan Mạch cũng đã bổ sung nhiều thông tin quan trọng cho công tác nghiên cứu lịch sử.
GS-TS Phạm Văn Đức, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, cho biết: “Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN đã chỉ đạo Viện Khảo cổ học xây dựng bản đồ khảo cổ học dưới nước VN và một chương trình nghiên cứu lớn về khảo cổ học ở Tây Nam bộ VN”.
Ban tổ chức hội nghị công bố kết quả khảo cổ học VN năm 2018 đã nhận được 356 báo cáo tham luận, trong đó có 115 thông báo về khảo cổ học tiền sử, 184 bài về khảo cổ học lịch sử, 41 bài về khảo cổ học Chămpa - Óc Eo, 10 bài về khảo cổ học dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung trong ngành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.