Đầu Xuân, đến Vũ Môn huyền thoại giữa đại ngàn

17/02/2018 13:06 GMT+7

Thác Vũ Môn hùng vĩ với vẻ đẹp nguyên sơ và lung linh như tấm lụa bạch giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi vùng biên viễn Việt - Lào.

Thác nằm ở xã Phú Gia (H.Hương Khê, Hà Tĩnh), có độ cao hơn 1.280 m so với mực nước biển. Danh thắng nổi tiếng này còn gắn với truyền thuyết Cá chép hóa Rồng: “Mồng bảy cá đi ăn thề, mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn”. Thác Vũ Môn nghe kể thì nhiều nhưng để đặt chân tận mắt chứng kiến cảnh đẹp hùng vĩ như trong giai thoại của nó thì không phải ai cũng làm được vì địa hình quá trắc trở và lắm hiểm nguy.
Chúng tôi đã có dịp tham gia đoàn khảo sát và đánh giá dòng thác Vũ Môn tuyệt đẹp này. 8 giờ sáng, đoàn gồm 50 người, xuất phát từ Đồn biên phòng Phú Gia. Qua một dải đất màu mỡ, khá bằng phẳng, cả đoàn dừng lại bắt đầu đi bộ. Sau 5 tiếng, vượt 14 km đường rừng, thác Vũ Môn bắt đầu hiện ra trong tầm mắt, như mái tóc của nàng tiên xõa trắng xuống giữa đại ngàn.
Đi thêm 2 tiếng nữa thì nghe tiếng thác đổ. Một khung cảnh hoang sơ hiện ra dưới vách đá dựng đứng, phảng phất mùi cỏ, cây. Trước mắt là dòng nước trắng xóa đổ xuống không ngớt, tạo nên tiếng reo như tiếng nhạc đồng vọng của đá núi, cây rừng.
Ngay ở chân thác có những tảng đá lớn gối lên nhau hình thành các hang hốc, từ chân thác chảy xuôi qua các khe đá, hốc đá tạo thành các vòng xoáy, vực nước tuyệt đẹp. Tại đây còn có những phiến đá lớn, nổi bật là phiến đá rộng, phẳng, tương truyền được coi là “bàn cờ tiên”. Phóng tầm mắt về phía đỉnh thác, dòng nước đổ xuống từ trên cao khoảng 200 m, chia làm 4 cấp nước, mỗi cấp chênh nhau từ 25 - 86 m, lòng thác rộng khoảng 27,5 m.
Bao mệt mỏi sau một quãng đường dài dường như tan biến, mọi người đều thả mình vào dòng nước trong veo dưới chân thác. Một cảm giác lạnh buốt, nhưng dễ chịu; một khung cảnh như thực, như hư, huyền ảo, đẹp đến nao lòng. Đêm đến, nhiệt độ xuống rất nhanh, ban ngày đang là 28 - 29 độ C, thì nhiệt độ lúc 23 giờ xuống chỉ còn 19 độ C. Đêm nghe tiếng thác đổ, gió thổi từng cơn lạnh buốt rít lên như làm tăng thêm sự huyền bí.
5 giờ sáng hôm sau, những người đầu tiên tỉnh giấc đã nhóm lửa sưởi ấm. Đến 6 giờ, mọi người đều đã ra khỏi lán. Những tia nắng bắt đầu xuất hiện, từ chân thác nhìn về phía đông, những ráng vàng lẩn khuất sau tán lá rừng, những đám mây trắng lững lờ nhẹ trôi trên đầu có cảm giác như đất trời đang gần lại. Và rồi, ánh nắng chiếu vào dòng thác, những chiếc cầu vồng bắt đầu xuất hiện, khung cảnh lúc này tựa như giữa chốn bồng lai, tiên cảnh.
Sau bữa sáng, đoàn tiếp tục lên đường chinh phục đỉnh thác. Đi bộ, leo núi khoảng 1 tiếng rưỡi, đoàn lên đến đỉnh thác với độ cao hơn 1.280 m so với mực nước biển.
Trong quá trình khảo sát, đoàn phát hiện rừng xung quanh thác còn nhiều cây tùng, bách, táu; có những cây tùng có đường kính 1 m. Trên đỉnh thác là dòng sông chảy hiền hòa, rộng khoảng 30 m bắt nguồn từ đỉnh núi Giăng Màn đổ về. Trên “cổng trời” này, một vùng đất còn nguyên sinh rộng khoảng 500 ha, trong đó có khoảng 70 ha đất bằng, rất thích hợp để xây dựng các khu nghỉ dưỡng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.