Đầu xuân đón lộc cầu duyên ở phiên chợ Gò

12/02/2021 07:00 GMT+7

Mỗi năm nhóm họp duy nhất vào mùng 1 tết Nguyên đán nhưng việc bán mua ở chợ Gò (Bình Định) không đặt nặng lời lỗ mà chỉ là dịp để người ta trao đổi lộc, chúc phúc cho nhau.

Ngày mùng 1 tết, nhiều người dân ở Bình Định và du khách thường chọn chợ Gò (ở thôn Phong Thạnh, TT.Tuy Phước, H.Tuy Phước, Bình Định) để du xuân, gặp gỡ đầu năm, cầu lành chúc phúc cho nhau.

Đầu năm mua muối, mua trầu

Nhắc đến nguồn gốc chợ Gò, các vị cao niên ở làng Phong Thạnh đều lắc đầu, trả lời là không “biết chính xác”, chỉ nghe truyền miệng là phiên chợ này nhóm họp từ thời Tây Sơn cho đến nay. Ngày xưa, dân gian gọi là Hội chợ Gò hoặc Hội xuân chợ Gò nhưng vài năm gần đây, chính quyền tổ chức thêm phần lễ rồi đặt tên là Lễ hội chợ Gò.

Sản vật nông nghiệp được mua bán tại phiên chợ Gò

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Chợ Gò được nhóm họp tại gò đất dưới chân núi Trường Úc (còn gọi là núi Hàm Long), giáp với bến đò sông Tọc (một nhánh của sông Hà Thanh). Với bao thế hệ người dân địa phương, chợ Gò là nơi để đón lộc, cầu duyên, nơi lứa đôi hẹn hò trong ngày đầu năm mới. Người dân vùng này còn lưu truyền câu ca dao:
Đầu xuân đón lộc cầu duyên
Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò
Chợ Gò là chợ hẹn hò
Trai thanh, gái lịch sang đò gặp nhau…
Theo cụ Nguyễn Văn Phê (83 tuổi, ở thôn Phong Thạnh), phiên chợ Gò chính thức bắt đầu khoảng 3 giờ sáng, rồi đông dần cho đến trưa mùng 1 tết mới tan dần.
“Ngày xưa chưa xây được cầu, người dân bờ bên kia lội qua sông Tọc để dự Hội chợ Gò. Mùa xuân nước sông cạn nên lội qua dễ dàng. Nhưng có những năm trời mưa, nước sông Tọc dâng cao thì phải qua đò. Nhưng dù nước sông cạn hay sâu thì Hội chợ Gò vẫn rất đông người dân đến dự, tắc cả đường cái. Cừ đến chợ Gò là thấy sướng, người bán hay người mua đều mặc quần áo mới, sạch sẽ và luôn tươi cười với nhau”, cụ Phê kể.
Không chỉ người ở H.Tuy Phước, cư dân ở các vùng lân cận cũng đem sản vật của nhà mình làm ra như: rau, củ, trái cây, buồng cau, xấp trầu, bó rau muống, thịt lợn, tôm, cá… đến chợ Gò bán lấy hên đầu năm. Trong đó, mặt hàng được mua bán nhiều nhất là trầu, cau và muối.

Trầu cau, muối được mua bán tại phiên chợ Gò

ẢNH: THẢO KHUY

Theo cụ Phê, người đi chợ Gò thích mua mua trầu, cau là mua cái lộc đầu năm hoặc vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”, còn mua muối vì có câu được truyền miệng “đầu năm mua muối, cuối năm xây nhà”, mua rau muống vì “muốn” gì được nấy, mua đu đủ vì muốn no đủ, mua mãng cầu là vì cầu cho sung mãn, mua quả sung là vì sung túc suốt năm…
Riêng các cô gái mua trầu cau là để cầu cho năm mới gặp duyên thắm tình nồng hay mua muối để mặn mà suốt năm. Người dân cũng quan niệm rằng, năm nào sản vật được cư dân đem đến chợ Gò đa dạng, nhiều chủng loại thì năm đó người dân trong vùng có cuộc sống đầy đủ, sung túc, no ấm.

Mua quả sung là vì sung túc suốt năm

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Phiên chợ độc đáo

Theo nhiều người cao tuổi ở H.Tuy Phước kể rằng, núi Trường Úc ngày xưa là tiền đồn của nghĩa quân Tây Sơn để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ chỉ dụ cho phép mở hội tại chợ Gò để nhân dân vui xuân sau chiến tranh mất mát, khổ nhọc và cũng để quân lính vui xuân, vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình. Chợ Gò còn là nơi để các binh sĩ nhà Tây Sơn có thời gian hẹn hò với vợ, người yêu, gia đình trong ngày đầu năm mới. Vì vậy, chợ Gò được dân gian xem là chợ hẹn hò.
Một số người lại kể rằng, cảm thông với nỗi nhớ nhà trong những ngày tết của quân lính đóng trên núi Trường Úc, 2 vị tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cho mở Hội chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi. Từ đó, năm mới đến, người thân của các binh sĩ đến thăm, người dân trong làng mang những sản phẩm cây nhà lá vườn bày bán. Khi quân Tây Sơn không còn đóng ở núi Trường Úc, người dân vẫn duy trì phiên chợ Gò.

Người đi chợ Gò mua rau muống vì "muốn gì được nấy"

ẢNH: THẢO KHUY

TS Đinh Bá Hòa, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho rằng chợ Gò không được ghi chép trong các sách sử của triều Nguyễn và cho đến nay không tìm thấy sử liệu nào chứng minh chợ Gò có liên quan đến nghĩa quân Tây Sơn. Căn cứ vào các tài liệu ghi chép về Hoàng đế Quang Trung và 2 vị tướng Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng rất khó để chấp nhận ý kiến cho rằng các vị anh hùng này mở Hội Chợ Gò.
Cũng theo TS Đinh Bá Hòa, khoảng thế kỷ thứ 16 – 17, người Việt đã sinh sống ở vùng đất Tuy Phước ngày nay để khai hoang, thuần hóa đất đai, biến núi đồi và vùng sình lầy hạ lưu sông thành ruộng đồng. Nguồn gốc Hội chợ Gò đã gắn liền với quá trình lập làng, xây dựng quê hương của người Việt, ra đời từ những hình thức sinh hoạt dân gian, gắn liền với nền văn minh nông nghiệp, với tín ngưỡng cầu tài lộc, may mắn vào đầu năm. Người Việt có nhiều phiên chợ giống với chợ Gò như chợ Viềng (Nam Định), chợ đình Bích La (Quảng Trị)...

Hội bài chòi dân gian tại chợ Gò

ẢNH: THẢO KHUY

Theo ông Đặng Hiếu Hân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa thông tin – Thể thao H.Tuy Phước, cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng nét độc đáo ở Hội chợ Gò từ xưa đến nay vẫn còn được giữ gìn. Đó là người bán không nói thách và người mua không mặc cả, không đặt nặng vấn đề kinh doanh lời lỗ. Sự mua bán ở chợ Gò chỉ là dịp người ta trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang thịnh vượng.
Người đến với Hội chợ Gò, ngoài việc chọn mua sản vật cầu may mắn đầu năm còn thưởng thức các hoạt động như: hội bài chòi dân gian, biểu diễn văn nghệ, múa lân, biểu diễn võ cổ truyền… Dạo quanh không gian chợ Gò và tham dự các trò hội dân gian này, những chàng trai, cô gái có dịp gặp gỡ và hẹn hò cùng nhau.
“Với sự độc đáo như vậy, Hội chợ Gò đã được ghi danh vào danh sách 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bình chọn. Hiện Sở VH-TT tỉnh Bình Định đang phối hợp với H.Tuy Phước làm hồ sơ, đề nghị ghi danh Hội chợ Gò vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để tạo điều kiện thúc đẩy để di sản được quan tâm đúng tầm, có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị di sản tốt hơn”, ông Hân nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.