Chị Võ Hoàng Ngân (37 tuổi), ngụ tại Chung cư Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây, cuối tuần hai vợ chồng mình thường không nấu nướng gì cả, đến bữa cả nhà dẫn hai con ra ngoài ăn. Lý do lúc đó hai con còn nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay hai đứa con gái cũng đã lớn rồi, một đứa học lớp 5 và một đứa học lớp 7 nên cuối tuần mình thường xuyên tổ chức nấu ăn ở nhà, sẵn chỉ dạy cho hai đứa nhỏ biết cách nấu ăn luôn. Tuy chưa thể nấu được những món ăn cầu kỳ nhưng bé lớn con mình có thể chuẩn bị một bữa cơm đơn giản mà ăn ngon miệng cho cả nhà được rồi. Bé có thể làm món thịt luộc, nấu canh bí đao với tôm tươi và trứng chiên với thịt heo xay rất ngon. Khi bé lớn nấu ăn thì bé nhỏ có thể phụ chị lặt rau muống hoặc đọt bí để làm món rau xào tỏi ngon lành”.
|
Cònchị Nguyễn Thị Mừng (36 tuổi), nhân viên kế toán cho Công ty TNHH Việt Nhật (Q.Gò Vấp) cho biết: “Mỗi ngày mình đều thuê người giúp việc theo giờ để lo dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Nhưng cuối tuần thì mình không bao giờ thuê người giúp việc mà cùng con gái 13 tuổi đi chợ. Bởi vì mình muốn chỉ cho con biết mua được những thực phẩm như: rau củ quả, thịt, cá...tươi ngon để đảm bảo cho sức khỏe của gia đình”.
Chị Mừng cho biết thêm, sau khi đi chợ về chị và con gái cùng nhau nấu các món ăn mà hai mẹ con đã tính trước đó. Và khi làm bất cứ món ăn gì mình cũng chỉ cho con biết và để con có sự trải nghiệm. “Bây giờ những món ăn như đậu hũ dồn thịt, mướp xào mực, thịt kho tiêu bé làm ngon không khác gì tôi cả”, chị Mừng vui vẻ nói.
Chị Nguyễn Thị Phong Thanh, bếp trưởng của Nhà hàng Biển Xanh (Q.12, TP.HCM), chia sẻ: “Nấu ăn là một kỹ năng mà tất cả mọi đứa trẻ cần phải biết. Bố mẹ không nên bỏ qua điều này khi nuôi dạy con cái. Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu của con người. Nấu ăn là phục vụ cho nhu cầu đó. Đứa trẻ sẽ phải xoay sở thế nào khi phải ở nhà cả ngày mà không có bố mẹ? Chắc chắn rằng bạn không muốn trẻ chỉ ăn đồ hộp hay nấu mì qua bữa đợi người lớn về. Vì thế, nếu trẻ biết nấu nướng, trẻ sẽ không gặp khó khăn khi tự phục vụ bản thân”.
Theo chị Phong Thanh, khi trẻ cùng vào bếp với bố mẹ, tự nhiên sẽ có một mối liên kết giữa các thành viên trong nhà. “Một đứa trẻ lớn có thể phụ giúp mẹ làm cơm khi nhà có khách hoặc vào dịp lễ tết. Trẻ sẽ tự ý thức được vị trí của mình trong gia đình. Hơn nữa, khi học nấu ăn, trẻ sẽ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, đúng bữa. Trẻ sẽ cảm thấy ăn ngon hơn với những thức ăn mình tự làm hoặc góp phần làm ra. Sức khỏe luôn là quan trọng nhất và nó liên quan mật thiết đến bữa ăn gia đình”, chi Phong Thanh nói.
Còn chị Lý Thị Kiều Nhung, bếp trưởng của Nhà hàng ẩm thực Làng Quê (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thì cho rằng: “Nên cho trẻ trải nghiệm việc nấu ăn mỗi khi phụ huynh vào bếp. Và đừng bao giờ làm thay cho con bạn khi mà bé đang cố gắng hoàn thành, cho dù món ăn đó chưa được ngon lắm và cách bài trí chưa được hoàn hảo cho lắm. Thời gian đầu, khi con bạn chưa thể tự làm một mình thì hãy chịu khó hướng dẫn cho con và hãy động viên con khi làm xong một món ăn nào đó bằng một lời khen như hôm nay con làm vậy là tốt rồi, nhưng lần sau hãy cố gắng làm tốt hơn nữa”.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tác dụng của việc dạy con nấu ăn không chỉ giúp con bạn được trải nghiệm công việc nấu nướng mà đây còn giúp gắn kết giữa các thành viên trong gia đình thêm yêu thương hơn. Khi chúng ta trao cơ hội để cho con khám phá và sáng tạo trong nấu ăn là chúng ta đang giúp con bạn ý thức được vai trò và sự chia sẻ trách nhiệm của trẻ đối với gia đình.
Bình luận (0)