Dạy con đón tết

10/02/2018 08:37 GMT+7

Việc dạy con đón tết cổ truyền ngày càng được nhiều cha mẹ quan tâm, nhất là khi trẻ lớn lên ở các đô thị.

Giữ gìn truyền thống
Tại TP.HCM, gia đình anh Hồ Minh Quang, giảng viên Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, được khá nhiều người biết đến vì vẫn giữ được nét truyền thống của những ngày tết cổ truyền. Gia đình anh sống ngay nhà tổ. Mỗi năm, khoảng 27 - 28 tết, gia đình anh đều nấu bánh tét.
“Mỗi năm tết đến, nhà tôi là nơi sum họp tất cả họ hàng nên cũng có nhiều hoạt động để kết nối mọi người. Năm ngoái gia đình còn thống nhất bận đồ bà ba gói bánh. Mấy đứa nhỏ thích nhất là những ngày làm bánh. Bây giờ muốn ăn gì có liền, nhưng con trẻ sẽ không biết làm sao để chế biến ra những thức ăn ngày tết như vậy. Mình muốn cho con cháu biết tết truyền thống thì phải làm cho các con xem. Quan trọng hơn là tạo không gian cho nhiều người cùng tham gia hoạt động nghiêm túc. Trong không gian đó, mọi người sẽ cùng nghĩ một hướng, nhìn một chiều, có tính kết nối gia đình, gia tộc cao. Đây là những hoạt động có hiệu ứng giáo dục ngược trở lại với con trẻ”, anh Quang nói.
Gia đình Linh Giang (học văn bằng 2 ngành tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và gia đình chồng ở cách nhau 700 km. Tuy vậy, tết nào vợ chồng Giang cũng cố gắng về ở cả hai nơi. Gia đình Giang về bên nội trước, sau đó mùng 2 mới về bên ngoại. Ở nhà nội, con cháu tập trung ăn uống vui chơi chờ đến giờ giao thừa, cùng đón năm mới chúc tết, lì xì xong mới đi ngủ.
“Đây là điều rất có ý nghĩa với trẻ con. Chúng sẽ ghi nhớ lâu hơn, hiểu được giá trị ngày tết truyền thống hơn. Mặt khác, ngày tết là khoảng thời gian dài nhất trong năm được ở bên cha mẹ, nên dù khoảng cách rất xa, di chuyển khó khăn nhưng vợ chồng luôn về cả hai bên để cho con biết trân trọng những phút giây gần gũi bên người thân. Tết không chỉ là sum vầy mà còn là cách giáo dục chữ hiếu cho con cái”, Linh Giang nói.
Anh Phạm Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Topica Uni, cho biết năm nào cũng đưa con về quê đón giao thừa cùng ông bà nội. Anh luôn cố gắng về kịp để các con cùng nấu bánh, nướng khoai, nướng ngô, trông bánh cùng ông bà. Việc đón tết ở quê rất quan trọng đối với trẻ vì cha mẹ có thể dạy con về tết truyền thống, những điều gì cần làm trong tết.
Dạy từ những điều giản dị nhất
Theo luật sư Lê Ngọc Lam Điền, truyền thống chính là trong tư tưởng và cách hành xử phải còn giữ nét văn hóa Việt. Ví dụ trong tháng chạp thì phải dạy con nhớ có một ngày gọi là tảo mộ. Con cháu kéo nhau đi quét vôi, sơn lại mồ mả ông bà tổ tiên, dẫy cỏ phát hoang... Trong ngày này nhắc con cháu về tổ tiên ông bà, và khi mọi người tụ tập tảo mộ chính là dịp để nhận biết bà con họ hàng.
Ngày 23 thì kể cho con sự tích ông Táo, bà Táo; kể cho con nghe về những thói quen sinh hoạt ngày xưa mà bây giờ gần như mai một. Tương tự, dạy con trước tết phải chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, món ăn truyền thống. Nếu có thể, mẹ tự tay làm các món dưa kiệu... để dạy con gái. Dạy con trai chùi rửa, đánh bóng lư đồng... Nói cho con biết ngày 30 cúng đón ông bà là thế nào và tại sao phải vậy. Rồi mùng 1, mùng 2, mùng 3 cúng gì, nghi lễ ra sao... Dạy con ngày đầu năm nên vui vẻ hân hoan và nói những câu chúc tốt đẹp với mọi người... Đặc biệt, dạy con dịp tết là ngày gia đình, dòng họ sum vầy, được gặp ông bà, cô chú, anh chị.
Anh Phạm Quốc Hùng cho rằng ngoài các thông tin có thể tìm hiểu cho con đọc về ngày tết truyền thống thì cha mẹ nên cùng con lập một lịch liên quan đến việc thăm hỏi ông bà, họ hàng trước tết, lịch đi chúc tết. Đó là danh sách họ hàng, dạy con các lời chúc tết, tham gia một số hoạt động nhỏ nhưng ý nghĩa như lau dọn nhà cửa, cắm hoa ngày tết, gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả... Làm đến đâu thì phân tích ý nghĩa cho con đến đó. Quan trọng là phải làm đều đặn vài năm thì con mới thấm, mới hiểu được nhiều về truyền thống, văn hóa như thế nào.
Mặc áo dài để nhớ tết quê hương
Với người Việt xa xứ, tết cổ truyền luôn là điều ai cũng tâm niệm giữ gìn trọn vẹn, để cho con cháu, thế hệ lớn lên ở xứ người biết về truyền thống của quê mẹ. Trong đó, áo dài luôn được xem là biểu tượng đẹp nhất mỗi khi tết đến.
Chị Lam Hoàng, Việt kiều Mỹ, cho biết: “Đã tròn 10 năm tôi đặt chân lên xứ người, đón tết xa quê hương. Tết đến cũng sắm chậu cúc vàng, gắn hoa mai giả, đặt dăm bánh tét, vài cặp bánh chưng, sắm vài ba cái áo dài để đi chùa đầu năm, chúc tết ông bà nội ngoại. Vợ chồng vẫn cố gắng duy trì thói quen này để tụi nhỏ nhớ và giữ được văn hóa VN”.
Chị Vân Khuê, TP.San Jose, Mỹ, cho biết vốn yêu thích mặc áo dài từ nhỏ nên năm nào cũng may vài cái để dành đi tiệc tùng, hội hè. “Mặc dù xa quê hương, nhưng lúc nào mình cũng muốn truyền cho con một chút gì đó gợi nhớ về truyền thống của xuân xưa, để mỗi khi khoác áo dài vào thì chúng sẽ biết và nhận ra rằng xuân đang đến...”,  chị Khuê nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.