Hiểu sai về trách nhiệm
Từ bé, tôi đi học là vì cha mẹ. Điểm kém thì sợ. Nhưng là sợ bị bố đánh, mẹ buồn. Ở lớp, việc lao động là phân công. Đến lượt mình thì mình làm. Không phải phiên mình thì kệ. Chúng tôi, thế hệ chúng tôi có thể đã được dạy về trách nhiệm nhưng chẳng ai nhớ. Đến cả trách nhiệm công dân, khi còn trẻ, tôi cũng chẳng để vào đầu. Thấy kẻ gian móc túi, nhẽ ra, với trách nhiệm công dân của mình, tôi phải lên tiếng báo công an. Nhưng lại nghĩ “phiền phức chết đi được”.
Hay khi chứng kiến ai đó đổ hóa chất xuống sông, tôi sẽ chọn cách chửi thầm trong bụng chứ quyết không lên tiếng. Kể cả khi đi làm, trách nhiệm là thứ thuộc về tập thể, chẳng phải riêng tôi…
Tôi chỉ bắt đầu học về trách nhiệm khi lấy vợ và sinh con. Nhưng thứ trách nhiệm ấy nhiều khi cũng… trừu tượng. Đa số vẫn nghĩ kiếm tiền về đưa vợ là đủ, còn mình có thể la cà bên ngoài. Rồi sinh con ra thì lo cho con học trường chuyên lớp chọn là đủ. Con cứ điểm cao là được. Điểm kém thì bị phạt. Con gầy là lỗi tại mẹ. Con hư cũng là lỗi tại mẹ chiều. Ở nhà, bắt các con làm việc nhà chẳng qua vì nhìn thấy con ngồi chơi game nhiều quá. Thấy con nói tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt thì vui nổ trời. Viết tiếng Việt sai lỗi chính tả cũng chẳng sao, miễn là điểm toán, điểm tiếng Anh cao là được…
Trách nhiệm khác nghĩa vụ. Nghĩa vụ là nấu một bữa cơm. Trách nhiệm là cả nhà sẽ ăn ngon. Nghĩa vụ là một cái áo vừa vặn. Trách nhiệm là cái áo đó rất phù hợp với người mặc. Nghĩa vụ là để ý. Trách nhiệm là để tâm. Một người phụ nữ có trách nhiệm là một người phụ nữ để tâm đến chính bản thân mình, đến những người mình thương yêu... |
Như vậy, cha mẹ chưa hiểu đúng về trách nhiệm, sao muốn con mình sống có trách nhiệm? Thậm chí, nhiều cha mẹ tôi biết, khi nói về trách nhiệm, luôn nghĩ “trẻ con thì biết cái gì”. Nhiều cha mẹ còn dạy con: Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt. Phải khôn hơn chúng bạn mới giỏi. Muốn con mình hơn con người khác nên nhiều cha mẹ lót tay thầy cô: Nhờ thầy cô để mắt đến con. Cháu nó còn nhỏ dại chưa biết gì..
Trách nhiệm không phải là một khóa học
Đã có nhiều cách dạy con trách nhiệm từ những chuyên gia, từ báo chí, từ các trường học, khóa đào tạo… Nhưng trách nhiệm không phải là một khóa học, trách nhiệm là một thái độ sống. Muốn con tự lập nhưng con không biết về trách nhiệm thì tự lập đó khác gì cỏ cây tự mọc? Nhiều cha mẹ dạy con tự lập mà quên dạy con sống có trách nhiệm.
Tôi vẫn nói với cậu con trai lớn của mình: “Thước đo sự trưởng thành của người đàn ông dựa trên trách nhiệm mà anh ta gánh vác. Một người đàn ông mãi chưa trưởng thành nếu như anh ta sống không có trách nhiệm”. Tôi dạy con trai mình trách nhiệm từ chính kinh nghiệm của tôi - một người đã từng có thời điểm sống “vô trách nhiệm” do chưa có ý thức về nó. Và giờ là lúc bố con mình cùng sửa sai. Chúng ta cùng gánh vác trách nhiệm. Như chuyện học là của con. Con phải chịu trách nhiệm với điểm số của mình cũng như con đường học vấn của mình. Con bị điểm kém bố không giận, nhưng điểm số là thước đo trách nhiệm của con với việc học của con. Bố phạt con vì con thiếu trách nhiệm với việc học của mình chứ không phải vì điểm số. Đàn ông mà vô trách nhiệm thì gã đàn ông đó mãi chỉ là một đứa trẻ lớn xác.
Một đứa trẻ chỉ trưởng thành khi có trách nhiệm với chính bản thân mình. Rồi sau đó là trách nhiệm với gia đình mình. Trách nhiệm với người thân trong gia đình, và trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống để có một xã hội tốt hơn, tử tế hơn.
Trách nhiệm khác nghĩa vụ. Nghĩa vụ là nấu một bữa cơm. Trách nhiệm là cả nhà sẽ ăn ngon. Nghĩa vụ là một cái áo vừa vặn. Trách nhiệm là cái áo đó rất phù hợp với người mặc. Nghĩa vụ là để ý. Trách nhiệm là để tâm. Một người phụ nữ có trách nhiệm là một người phụ nữ để tâm đến chính bản thân mình, đến những người mình thương yêu. Trách nhiệm là tự chăm sóc mình thật tốt để người yêu mình yên lòng, an lòng. Trách nhiệm cũng là lên tiếng với những điều mình không thích, nói không với những điều không đúng với lương tâm mình. Trách nhiệm càng cao - giá trị càng sâu.
Dạy con sống có trách nhiệm không phải dạy ngày một ngày hai, hay 9 điều, 10 ý. Mà là một thái độ sống mà chúng ta cần phải tuân thủ. Như đi học muộn bị phạt thì ta phải chịu trách nhiệm về điều đó bằng cách chịu phạt như quy định đã đưa ra. Làm chưa đúng việc gì thì dũng cảm nhận trách nhiệm về mình chứ không đổ lỗi cho ai và cũng không để ai chịu trách nhiệm thay mình. Chúng ta hãy cho trẻ biết cuộc đời của con, bố mẹ chỉ là người định hướng, trợ giúp chứ không sống thay con được. Dù có thể, trong đôi lần con vấp ngã, trong trách nhiệm của mình, các con sẽ tự đứng dậy, tự sửa chữa, dù cha mẹ có thể thắt lòng thương con.
Bình luận (0)