Cậu con trai của tôi tên là Gia Hưng hiện đang học lớp 5 ở một trường tiểu học tại Hà Nội. Do con đang trong độ tuổi vừa chơi vừa học, tôi luôn muốn con tìm hiểu các thiết bị điện trong nhà, vừa là để tự bảo vệ bản thân khi không có người lớn bên cạnh, vừa là dạy con học cách tiết kiệm điện như các thành viên khác trong gia đình.
Bên cạnh việc chơi các môn thể thao học đường như cầu lông, đá cầu hay bóng đá, bình thường thì Hưng cũng rất thích theo dõi mạng xã hội như TikTok, YouTube và đặc biệt là mê chơi game. Chính vì thế, tôi cũng dạy con rằng, nếu các thiết bị điện tử đã báo cần đến lúc sạc pin, con nên dừng xem hay dừng chơi, thay vì để kiệt nguồn hoặc vừa sạc vừa xem và vừa chơi. Hưng đã biết điều đó sẽ giúp tăng tuổi thọ cho thiết bị điện tử và tránh để xảy ra các sự cố như nổ, chập điện có thể đe dọa bản thân con.
Ngoài ra, một vấn đề nữa mà tôi muốn Hưng dần tạo thành thói quen của bản thân, không chỉ trong sinh hoạt ở nhà mà còn trong các hoạt động ở chỗ đông người sau này. Đó là tắt công tắc và rút ổ cắm khi không sử dụng các thiết bị như máy sấy, vợt đuổi muỗi, ti vi, laptop... theo hướng dẫn của ngành điện, hay vào dịp ngành điện phát động Giờ Trái đất vào tháng 3 hằng năm.
Cậu con trai của tôi đã hỏi rằng, con không sử dụng những thiết bị đó thì tại sao lại có thể gây tốn điện được. Ban đầu, tôi cũng chưa hiểu rõ vì sao nhưng khi tìm hiểu, tôi mới biết "nguồn ảo" hay nguồn dự phòng là năng lượng thường bị lãng phí trong nhà khi cắm các thiết bị điện trong khi thực tế chúng ta không sử dụng chúng.
Hãy tưởng tượng rằng, trong nhà có hàng chục thiết bị có thể được cắm điện trong nhiều lúc như laptop, ti vi, đồng hồ báo thức… thì lượng điện dành cho những thiết bị này bị lãng phí như thế nào, và có thể khiến hóa đơn tiền điện của gia đình chúng tôi tăng lên đáng kể.
Vì thế, trong lúc tôi chưa mua được một thiết bị giám sát sử dụng điện xem mỗi thiết bị tiêu tốn điện như thế nào ngay cả trong chế độ "nguồn ảo", tôi đã thống kê xem trong nhà có bao nhiêu thiết bị có thể có "nguồn ảo", như các thiết bị giải trí: ti vi, máy chơi game, các thiết bị trong bếp như lò vi sóng, bếp đun nước siêu tốc, bếp từ…
Rõ ràng, cách đơn giản nhất để chúng tôi tiết kiệm điện là rút ổ cắm các thiết bị đó ra khi không sử dụng. Tuy vậy, để mọi thành viên trong gia đình và đặc biệt là một cậu con trai còn mải chơi như Hưng có thói quen đó thật không đơn giản.
Vì thế, mỗi lần con quên, tôi sẽ gọi con tự mình rút ổ cắm ti vi, máy chơi game hay chỉ đơn giản là cái vợt đuổi muỗi. Tôi không rõ nếu rút ổ cắm các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền điện nhưng ít nhất, việc tạo một thói quen cho mọi người và đặc biệt là cậu con trai sử dụng các thiết bị đó nhiều hơn bất cứ ai chắc chắn là một điều tốt. Bởi con sẽ có ý thức làm vậy khi học tập, sinh hoạt ở trường và trong những môi trường khác, khi con trưởng thành.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: [email protected] hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)