Dạy con tránh cạm bẫy

30/08/2015 06:33 GMT+7

Không phải ai cũng biết cách bảo vệ con an toàn trước những cạm bẫy của mạng xã hội . Đây cũng là những băn khoăn của phụ huynh hiện nay.

Không phải ai cũng biết cách bảo vệ con an toàn trước những cạm bẫy của mạng xã hội. Đây cũng là những băn khoăn của phụ huynh hiện nay.
 
Các phụ huynh tham gia thử nghiệm xem con gái họ có gặp người lạ mặt - Ảnh: cắt từ clip
Dễ bị dụ dỗ
Họ càng lo lắng hơn khi mới đây vlogger nổi tiếng người Mỹ Coby Persin (21 tuổi) thực hiện vlog Những hiểm họa trên mạng xã hội. Chàng trai này đã tạo tài khoản trên Facebook, mạo danh là một cậu bé 15 tuổi để trò chuyện, tán tỉnh các bé gái 12, 13, 14 tuổi và hẹn gặp trực tiếp bên ngoài.
Các phụ huynh đồng ý tham gia thử nghiệm vì đều nghĩ rằng con gái họ sẽ không chịu gặp một người lạ mặt. Họ bí mật đi theo và choáng váng khi chứng kiến con mình dễ dàng bị “dụ”, đồng ý gặp người lạ mặt ở công viên, thậm chí còn dắt vào nhà, hay leo lên xe theo người lạ.
Đoạn phim đã thu hút hơn 36 triệu lượt xem. Phần lớn bình luận đều lo lắng: chẳng biết làm thế nào để bảo vệ trước những cạm bẫy trên mạng xã hội.
Bảo vệ con bằng cách nào ?
Trên webtretho.com, chị Phụng cho rằng “chỉ cần cấm con không được tham gia sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zing Me, YuMe, Google +… là khỏi phải lo gì cả”.
Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình. “Bởi càng cấm càng gây tò mò. Vả lại những đứa trẻ ở độ tuổi từ 10 - 15 có sự biến đổi tâm sinh lý, có xu hướng thích giao lưu bạn bè, thích tham gia vào mạng xã hội nên cấm là không khả thi”, Lê Hoài phản bác.
Tương tự, Mỹ Dung cho rằng: “Thay vì cấm đoán, nên biết cách quản lý tốt hơn. Cho con tham gia mạng xã hội nhưng cần có sự định hướng và giám sát”.
Nguyên tắc để bảo vệ con mà Thảo Phạm đưa ra trên sotaychame.com được nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng sẽ làm theo. Đó là: trước khi đồng ý cho con đăng ký và bắt đầu sử dụng mạng xã hội, điều đầu tiên là cần hướng dẫn những nguy hiểm có thể gặp phải. Kể ra những tình huống, những bẫy lừa có thể bị giăng ra, và cách để ứng xử, phòng tránh trước tình huống đó.
“Chẳng hạn như đừng nghe những lời ngon ngọt, lời khen có cánh từ người khác. Vì từ điều này có thể bị rủ rê bỏ nhà đi, xúi giục làm điều vi phạm pháp luật. Chưa kể có thể dẫn đến vô số nguy hiểm khác như: bị lạm dụng tình dục, bị cướp…”, Thảo Phạm viết.
Thu Hoài chia sẻ kinh nghiệm trên Facebook: cần lưu ý con không được kết bạn vô tội vạ, tuyệt đối không được chấp nhận lời yêu cầu từ người lạ. Đặc biệt, khuyên con không được chia sẻ công khai những thông tin cá nhân về địa chỉ nhà, trường học, ngày sinh, những địa điểm hay đến vui chơi, ăn uống. Chỉ để chế độ bạn bè hoặc một mình. “Bởi kẻ xấu có thể dựa vào những thông tin ấy để tạo nên hình ảnh một người thân thiết, hiểu biết rõ về gia đình để lừa gạt, hoặc dàn cảnh bắt cóc, cướp giật”, Thu Hoài nói.
Tại diễn đàn lamchame.com, Lê Thành chia sẻ từng hoảng hốt khi chứng kiến sự thay đổi của con gái mình sau một thời gian sử dụng Facebook, từ cách ăn mặc, nói chuyện… Lê Thành khuyên mọi người: “Hãy là một người bạn của con trên mạng. Đừng ngần ngại kết bạn và thường xuyên tán gẫu với con trên ấy. Khuyên con đừng bao giờ bắt chước những trào lưu không tốt”.
Chuyên gia tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Công ty tư vấn tâm lý Việt Sơn, cho biết đã từng nhận được những lời cầu cứu của cả nam sinh lẫn nữ sinh vì gặp phải tình cảnh bị người lạ dụ dỗ trên mạng. Chia sẻ với phụ huynh về cách bảo vệ con trên mạng, bà Hằng cho rằng có thể kiểm tra lịch sử truy cập của con, để khuyên nên hoặc không nên vào những trang thông tin có nội dung không tốt. Khi con xin đi gặp bạn bè, yêu cầu phải thông báo cụ thể về thời gian và địa điểm gặp gỡ. Ngoài ra, cần chú ý đến hành xử của con cái, để khi thấy những sự thay đổi bất thường như con hay lên mạng, lén lút sử dụng… thì tìm hiểu và có lời khuyên cần thiết. Không chỉ vậy, phụ huynh và con cần thống nhất những quy tắc khi lên mạng: lên mạng trong khoảng thời gian nào, con có thể và không thể làm gì... và cho con biết những hậu quả khi không tuân theo các nguyên tắc.
Cha mẹ cũng cần hướng dẫn cho con biết những “đặc điểm” có thể có của một kẻ xấu, như: yêu cầu không được kể cho bố mẹ biết nội dung những cuộc hội thoại, thường xuyên rủ rê và khuyên nên đi một mình, hay hỏi về những điều cá nhân như tên, tuổi, ngày sinh của các thành viên trong gia đình, hẹn gặp ở những chỗ vắng vẻ…
Bình luận:
* “Trẻ con cứ nghĩ mạng xã hội là an toàn và sử dụng một cách vô tư, chẳng lường trước được hết nguy hiểm có thể ập đến bất kỳ lúc nào”. (Vinh Nguyen/cogihay.com)
* “Cần có những khóa học kỹ năng về vấn đề này để học sinh ý thức được những hiểm nguy và phòng tránh”. (levanan_1982/conyeucuaban.com)
* “Không thể nào cấm con tham gia mạng xã hội. Vì có thể sử dụng địa chỉ mail khác, số điện khác và đăng ký tài khoản ở máy tính ngoài tiệm”. (Vũ Thành/Facebook)
* “Cần chia sẻ thật nhiều về đoạn phim của Coby Persin để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác”. (Kim Hong/webtretho.com)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.