Chưa đến Tết Kỷ Hợi nhưng những phiên chợ tết sớm cho trẻ em đã diễn ra ở nhiều nơi như các trường mầm non, trung tâm ngoại khóa, trung tâm thương mại… Không chỉ bài trí không gian tết truyền thống với bánh chưng xanh, dây pháo đỏ, cây nêu, nhiều nơi tổ chức các gian hàng để trẻ em có thể tận tay gói bánh, viết thiệp mừng năm mới cho ông bà, cha mẹ hay mua hoa, trái cây, rau dịp tết…
“Có phải bánh chưng xanh của chàng Lang Liêu không mẹ?”
tin liên quan
Vui hơn đường về quê ăn tếtCó mặt tại Trường mầm non Sao Mai (đường Bông Sao, quận 8, TP.HCM) những ngày trước Tết Nguyên đán 2019, nhiều phụ huynh cũng rộn ràng không kém khi thấy các con đang vui chơi bên cạnh sân khấu được dựng, mô phỏng gian nhà xưa với cây nêu, pháo, cây rơm, bánh chưng…
Trong giờ được vui chơi ngoài trời của các trẻ là những khúc ca mừng tết đến của cô và trò. Chị Nguyễn Phương Mai, 27 tuổi, trú chung cư Giai Việt, đường Tạ Quang Bửu, quận 8, cho biết dù con không học ở trường mầm non này nhưng những buổi tối, nếu có thời gian chị và chồng hay đưa con đến sân trường, vì nơi này có sân cỏ nhân tạo, cũng có quán cà phê khá tiện để cha mẹ có thể cùng ngồi uống nước, chơi với con, nói đôi điều với con về tết cổ truyền.
“Con nhìn hình chiếc bánh chưng xanh và hỏi tôi, đây có phải bánh trong truyện Lang Liêu bánh chưng bánh dày mà mẹ vẫn kể cho con nghe không. Con hỏi gói bánh chưng ra sao. Tôi rất mừng, vì con đã nhớ đến câu chuyện này. Tôi bảo, mấy ngày tới sẽ đưa con về nhà ông ngoại, nhìn ông gói bánh chưng, gói giò thủ, làm chả nem và nhiều món ăn khác, con rất vui”, chị Mai nói.
Ngày 19.1 vừa qua, tại trung tâm Hoa Xuyến Chi Steiner Inspired Homeschooling (đường Trần Não, quận 2, TP.HCM) cũng diễn ra Lễ hội mùa xuân và phiên chợ tết, với những hoạt động thú vị như để các em nhỏ tự tay chế biến các món ăn dân dã cùng với cha mẹ và bán trong phiên chợ; tự gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh dừa...
Chị Nguyễn Thị Yến, trú đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2, TP.HCM cho biết, cả hai con gái của chị rất vui khi lần đầu tiên được nhóm lửa cùng cha mẹ và luộc bánh: "Trong lúc chờ bánh chín, ba mẹ và các con cùng nướng ngô, khoai và trò chuyện, ca hát... Con gái tôi bảo, mẹ ơi sang năm mình lại đi chợ tết nữa nhé mẹ".
"Con muốn tặng thiệp cho mẹ, vì mẹ nuôi con khôn lớn"
Ngày mai, 26.1, tại trường ngoại khóa Smart Homeschool, 44B Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP.HCM mới diễn ra ngày hội nặn tò he ngày tết, cũng như chuẩn bị cho hàng loạt các hoạt động về phiên chợ tết cổ truyền như cho trẻ học cách gói bánh chưng, treo cây nêu, đi cà kheo, kéo mo cau… nhưng hôm nay, không khí tại đây đã rất rộn ràng. Các phụ huynh và học sinh ai cũng háo hức chờ phiên chợ bắt đầu.
Mới đây, cũng tại trường này đã diễn ra hoạt động để các em nhỏ tự tay vẽ, trang trí thiệp năm mới rất đẹp với những ý tưởng sáng tạo dành tặng người thân.
|
Bé Nguyễn Trúc Quỳnh, 6 tuổi, trú quận Thủ Đức, cầm trên tay tấm thiệp với hoa đào xuân và lời chúc cho bà ngoại và mẹ. “Vì sao con muốn tặng thiệp này cho ngoại và mẹ?”, cô giáo hỏi. Quỳnh đáp: “Con thương mẹ, vì mẹ nuôi con khôn lớn. Con cũng thương bà ngoại, vì bà ngoại con vất vả lắm”, Quỳnh khẽ nói. Các cô giáo và nhiều bậc cha mẹ đứng cạnh đó đều rưng rưng.
Chị Trần Thị Bích Trâm, một giáo viên của trường, nói với chúng tôi: “Những hoạt động như làm thiệp ngày xuân khiến các em nhỏ rất thích thú. Chúng tôi không chỉ dạy các con kỹ năng có thể làm món quà tặng người thân vào dịp tết, mà qua đó, muốn dạy các con về lòng hiếu thảo, sự tri ân với những người đã vất vả nuôi các con lớn khôn...”.
“Không chỉ dạy trẻ về những giá trị truyền thống, chúng tôi luôn nói với các phụ huynh không mang túi ni lông, hộp nhựa, ống hút một lần tới tham gia phiên chợ tết. Có thể gói bánh bằng lá, đựng rau sạch của những gia đình tham gia phiên chợ bằng những chiếc túi mình mang đi… Đó cũng là cách chúng tôi dạy các trẻ về tết xanh, luôn nghĩ đến bảo vệ môi trường”, bà Nguyễn Thanh Diệp, người sáng lập trường Smart Homeschool, nói.
Bình luận (0)