Dạy hóa bằng bài hát 'Em gái mưa', thầy giáo khiến ai cũng mong đến giờ học

20/05/2020 20:12 GMT+7

Mưa trôi cả bầu trời nắng, trượt theo những nỗi buồn …, giai điệu ca khúc Em gái mưa vang lên, phía dưới lớp, học trò ồ lên thích thú. Màn hình chiếu tiếp một cơn mưa, thầy giáo hóa lên tiếng ‘Cơn mưa này không bình thường’.

Mưa axit là gì các em? Thầy giáo hóa học đặt câu hỏi tiếp. Thế là màn hình tivi chiếu tiếp cơn mưa axit trong tràng vỗ tay reo hò của các em học sinh. Đó là giờ hóa học vừa diễn ra chiều nay, 20.5. Cách vào bài giảng rất trẻ trung, gần gũi với học trò tuổi teen đã khiến mọi giờ giảng của thầy giáo trẻ Phạm Lê Thanh trở thành niềm yêu thích của các trò Trường THPT Ngô Quyền, Q.7, TP.HCM.

Thổi hồn giờ hóa học bằng phim hoạt hình, thơ, vè

Dùng ca khúc Em gái mưa “thổi hồn” cho giờ hóa chỉ là một trong nhiều sáng tạo của anh Thanh. Dùng công nghệ đồ họa để bài giảng của mình sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ hơn, anh Thanh cũng làm các đoạn phim ngắn, mượn các nhân vật phim hoạt hình để cùng kể chuyện bài giảng hóa học. Hoặc với các bài thơ, vè như ve vẻ vè ve/ nghe vè về sắt/ trong vỏ trái đất/ kim loại thứ hai/ nhắc cho những ai/ thường hay hoa mắt/ bổ sung viên sắt/ bạn sẽ đỡ ngay… được anh sưu tầm, đọc lại với các trò.

Học trò xem video về mưa axit trên nền nhạc ca khúc "Em gái mưa" chiều 20.5

Thúy Hằng

Trẻ trung, năng động, thuộc sở thích âm nhạc, phim ảnh của các học trò, anh Thanh “bắt trend” với các xu hướng, trào lưu vui của các bạn trẻ rất nhanh. Các bạn lớp 10 Trường THPT Ngô Quyền luôn bất ngờ với mỗi tiết học cùng thầy Thanh, thậm chí có em từng ngạc nhiên “thầy ơi, sao thầy bắt trend nhanh dữ”.
Các lời khuyên sức khỏe, giải đáp thú vị về các hiện tượng của cuộc sống đều được anh Thanh cụ thể hóa bằng các đồ họa. Anh chia sẻ với các học sinh, nên uống bao nhiêu viên C sủi là đủ: Viên sủi bổ sung vitamin C - một ngày đối với trẻ em chỉ cần uống 1/2 viên C sủi loại 6 - 8 g/viên, còn đối với người lớn thì dùng một ngày 1 viên là đủ. Không nên uống quá nhiều. Do có chứa thêm thành phần muối khoáng canxi 500 mg nên ngoài lượng muối ăn được hình thành sau phản ứng sủi, viên sủi còn tăng canxi. Vì vậy, nếu dùng C sủi với liều lượng cao, kéo dài có thể dễ gây sỏi thận, buồn nôn, trướng khí (do CO2) sinh ra...

Dụng cụ bẫy muỗi mà anh Thanh làm đồ họa

Ảnh Phạm Thanh

Hay như giúp các trò có thể ai cũng tự mình tạo được bẫy chống muỗi từ đường nâu, giấm ăn, bột baking soda, vỏ chai, anh cũng làm một đồ hoạ sinh động, miêu tả chi tiết cách thức. “Muỗi đánh hơi thấy vật chủ (con người, động vật khác) qua khí CO2. Khi chúng ta thở, muỗi sẽ phát hiện, đặc biệt những ai hoạt động nhiều, thở gấp như vừa chơi thể thao xong chẳng hạn, sẽ thở CO2 ra nhiều hơn, muỗi sẽ chích những bạn này nhiều hơn. Trong dụng cụ bẫy chống muỗi, ta cho phản ứng sinh ra khí CO2, muỗi sẽ đánh hơi, bay vào bình. Dung dịch đường có tính kết dính khiến muỗi không bay ra được”, ứng dụng thực tế vận dụng kiến thức hóa học của anh Thanh khiến các trò thích thú, ai cũng về tự tay làm thử ở ngay gia đình mình.

Học hóa để đi chợ biết phân biệt giấm ăn tự nhiên và giấm giả

Thầy giáo Phạm Lê Thanh năm nay 26 tuổi. Bạn trẻ quê Tây Ninh tốt nghiệp ngành sư phạm hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và vừa bảo vệ luận văn thạc sĩ ngành hóa vô cơ với số điểm 9,44, cao nhất trong số các thí sinh cùng ngành. Đứng trên bục giảng hơn 2 năm nay, với anh Thanh, niềm yêu thích với môn hóa có từ ngày còn rất nhỏ. Đặc biệt, vào năm lớp 8, chứng kiến người bác của mình cũng là một giáo viên hóa say sưa truyền đạt kiến thức cho các trò, Thanh đã khao khát sẽ có ngày cũng trở thành thầy giáo, mang niềm đam mê môn hóa tới các bạn trẻ khác.

Hình ảnh đời thường của thầy giáo trẻ tâm huyết với môn hóa

Ảnh NVCC

“Hóa học là cuộc sống. Là những gì xung quanh ta mỗi ngày. Là chuyện đi chợ làm sao để mua đúng giấm ăn lên men tự nhiên chứ không phải giấm pha chế từ nước lã và axetic công nghiệp. Học hóa để giải thích những hiện tượng tự nhiên, ngoài đời sống, để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải chỉ là những công thức, bài tính toán. Tôi muốn làm sao để các em học sinh luôn có tình yêu, tràn đầy cảm hứng với môn học thú vị này, đó là điều thôi thúc tôi luôn phải cập nhật kiến thức, học tốt tiếng Anh, giỏi tin học để có thể mang những bài giảng sinh động nhất, gần gũi nhất với các trò vào 45 phút của mình”, anh Thanh cho hay.
Anh Thanh luôn có mục “5 phút đọc báo cùng bạn” trong bài giảng. Trước khi bắt đầu tiết học, anh cập nhật cho học trò những câu chuyện thực tế trong nước, quốc tế có trên mặt báo, về những phát minh, ứng dụng, hoặc cả những sự cố liên quan môn hóa. “Tôi muốn các em thấy môn học này rất gần với cuộc sống của chúng ta”, thầy giáo 9X bày tỏ.
Điều đặc biệt trong những đề bài kiểm tra mà anh Thanh ra cho học sinh, nó không chỉ là những công thức, bài tập phản ứng hóa học cần giải. Trong đó luôn có những câu chuyện thực tế. Ví dụ mới đây, trong đề bài kiểm tra, anh cung cấp kiến thức vì sao có mưa axit, cách nào hạn chế mưa axit.
“Tôi thích những bài tập tính toán có ý nghĩa thực tế. Một bức tranh ảm đạm "mưa axit" cũng cần có những "gam màu tươi tắn" một chút để thấy hóa học là khởi nguồn của sự sống. Tôi cũng mong muốn thông qua các bài giảng, bài kiểm tra của mình sẽ giúp học sinh hiểu được sự quan trọng của những năng lượng tái tạo, chúng ta không thể mãi phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch như than đá. Quá trình làm nhiệt điện từ than đá đã sản sinh quá nhiều SO2, NxOy chất này tham gia chuyển hoá thành axit H2SO4, HNO3 tạo thành mưa axit”, thầy giáo trẻ tâm huyết với môn hóa lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.