'Dạy học 2 buổi/ngày các môn trong chương trình có thu tiền không?'

22/08/2024 05:37 GMT+7

Bạn đọc bình luận dưới bài viết của Báo Thanh Niên, đặt câu hỏi: 'Tôi xin hỏi việc dạy học 2 buổi/ngày các môn trong chương trình có thu tiền hay không? Rất nhiều trường tổ chức dạy 2 buổi, rồi tăng thêm tiết một số môn để thu tiền, mặc dù phụ huynh không có yêu cầu này'.

'Dạy học 2 buổi/ngày các môn trong chương trình có thu tiền không?'- Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 tựu trường năm học 2024-2025 tại TP.HCM, các trường tiểu học nỗ lực tăng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày

NHẬT THỊNH

Bạn đọc trên không nêu rõ con em của mình đang là học sinh học tiểu học, THCS hay THPT, ở địa phương, tỉnh thành nào, cũng như không cung cấp thêm thông tin, dữ liệu việc "Rất nhiều trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, rồi tăng thêm tiết một số môn để thu tiền, mặc dù phụ huynh không có yêu cầu này".

Để bạn đọc có thêm thông tin về việc dạy học 2 buổi/ngày hiện nay được quy định như thế nào, Thanh Niên Online xin được cung cấp một số thông tin.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành quy định gì về việc dạy học 2 buổi/ngày?

Ở cấp tiểu học: Theo Chương trình tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ban hành kèm theo Thông tư ban hành Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT (từ năm học 2024-2025, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng từ lớp 1 tới lớp 12) thì ở cấp tiểu học, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: tiếng Việt; toán; đạo đức; ngoại ngữ 1 (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); tự nhiên và xã hội (ở lớp 1, lớp 2, lớp 3); lịch sử và địa lý (ở lớp 4, lớp 5); khoa học (ở lớp 4, lớp 5); tin học và công nghệ (ở lớp 3, lớp 4, lớp 5); giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm.

Các môn học tự chọn gồm: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).

Về thời lượng giáo dục ở cấp tiểu học, Chương trình tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định rõ: "Thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học; mỗi tiết học 35 phút. Cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT".

'Dạy học 2 buổi/ngày các môn trong chương trình có thu tiền không?'- Ảnh 2.

Học sinh lớp 1 được làm quen cô giáo và các bạn ngày tựu trường năm học 2024-2025

NHẬT THỊNH

Ở cấp THCS: Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục công dân; lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên; công nghệ; tin học; giáo dục thể chất; nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn có: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục ở bậc THCS được Bộ GD-ĐT quy định: "Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường THCS đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT".

Ở cấp THPT: Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; lịch sử; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục của địa phương.

Các môn học lựa chọn: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật. Học sinh chọn 4 môn học từ các môn học lựa chọn.

Các chuyên đề học tập: Mỗi môn học ngữ văn, toán, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề học tập của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học. Ở mỗi lớp 10, 11, 12, học sinh chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.

Các môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Thời lượng giáo dục bậc THPT được Bộ GD-ĐT quy định: "Mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học; mỗi tiết học 45 phút. Khuyến khích các trường THPT đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT".

'Dạy học 2 buổi/ngày các môn trong chương trình có thu tiền không?'- Ảnh 3.

Học sinh tham gia kỳ khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 một trường THCS tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Như vậy, từ năm học 2024-2025, việc tổ chức thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học là nằm trong chương trình tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông 2018, còn ở bậc THCS, THPT là "khuyến khích". Khuyến khích các trường THCS, THPT đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

Theo luật Giáo dục 2019, học sinh tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập trong cả nước được miễn học phí. Như vậy, học sinh tiểu học ở các cơ sở công lập không phải đóng học phí để được học 2 buổi/ngày.

TP.HCM là một trong những địa phương nỗ lực tăng tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, bởi ở một số địa phương của TP.HCM chưa thể đạt mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày do áp lực gia tăng dân số cơ học, sĩ số cao, phòng học chưa đủ...

Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy năm học 2023-2024, toàn thành phố có 502.200 học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, chiếm tỷ lệ 78,8% (tăng 4% so với cùng kỳ năm trước). Toàn thành phố có 14.362 lớp học 2 buổi/ngày trên tổng số 17.382 lớp, chiếm tỷ lệ 82,6% (tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước).

Được miễn học phí, vì sao nhiều học sinh tiểu học vẫn đóng mỗi tháng hơn 2 triệu đồng?

Nhiều phụ huynh thường thắc mắc "Tiểu học nói miễn học phí nhưng sao con tôi phải đóng hơn 2 triệu/tháng", hay "Sao nói miễn học phí mà con tôi học công lập vẫn đóng tiền triệu?".

Thực tế, không phải đóng học phí, nhưng học sinh tiểu học công lập cần đóng một số các khoản trong số các khoản thu đã được nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quy định cụ thể.

'Dạy học 2 buổi/ngày các môn trong chương trình có thu tiền không?'- Ảnh 4.

Phiếu các khoản thu của một học sinh tiểu học trong tháng 9.2023 ở TP.HCM, học sinh này học 2 buổi/ngày, có ăn bán trú tại trường

THÚY HẰNG

Ví dụ theo phiếu thu tháng 9.2023 của một học sinh tiểu học tại TP.HCM năm học 2023-2024 ở hình ảnh trên cho thấy, các khoản tiền này là: tiền tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh; tiền học ngoại ngữ với người nước ngoài; tiền tổ chức dạy các lớp năng khiếu, thể dục tự chọn, CLB bóng rổ/võ Vovinam/nhảy... sau giờ tan học; các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú (ví dụ như tiền tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú; tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú…); tiền suất ăn trưa bán trú; tiền nước uống; tiền khám sức khỏe học sinh ban đầu (bao gồm khám nha học đường)...

Thực tế, ngoài các môn học bắt buộc trong chương trình, thì khi sử dụng bất cứ dịch vụ/hoạt động giáo dục nào trong trường học, từ bán trú (ăn cơm trưa, ngủ trưa tại trường) tới học các môn học năng khiếu, các CLB, học tiếng Anh với người nước ngoài... thì phụ huynh đều phải đăng ký với nhà trường, "đồng ý" khi thực hiện các khảo sát.

Khi thấy lớp học, trường học không tiến hành khảo sát ý kiến phụ huynh mà vẫn tiến hành tổ chức các lớp học/chương trình nhà trường có tính phí với học sinh thì phụ huynh học sinh hoàn toàn có thể ý kiến với ban giám hiệu nhà trường, phòng GD-ĐT tại địa phương, sở GD-ĐT qua các kênh liên lạc công khai hiện nay.

Chương trình nhà trường phải có sự đồng thuận của phụ huynh, hội đồng trường

Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 cấp tiểu học, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhấn mạnh các trường phải chủ động xây dựng chương trình nhà trường, xây dựng chương trình giáo dục bổ trợ thêm giúp Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn thiện hơn.

Nhà trường và các đơn vị liên kết phải chủ động phối hợp với nhà trường trong việc xây dựng khung nội dung, đảm bảo xuyên suốt khi thông tin đến phụ huynh, đối tác. "Kế hoạch nhà trường phải được thông qua hội đồng trường, thông tin đến phụ huynh học sinh trên tinh thần thống nhất với phụ huynh học sinh. Phụ huynh có thể lựa chọn một số hoạt động tham gia, từ đó nhà trường sắp xếp lớp cho học sinh phù hợp".

Trong trường tiểu học, ngoài việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn các hoạt động giáo dục bổ trợ khác. Tuy nhiên, ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện nội dung chương trình nhà trường luôn luôn phải có kế hoạch khung nội dung rõ ràng, phải thông qua hội đồng trường, phải có sự thống nhất với phụ huynh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.