Dạy học chưa theo kịp đổi mới thi

03/07/2018 11:21 GMT+7

Kết quả điểm thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM vừa qua phần nào bộc lộ cách dạy và cách học ở trường phổ thông còn hời hợt với định hướng đổi mới.

Đây là năm thứ 2 Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện định hướng đổi mới cách kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng, hiểu biết qua đề thi tuyển sinh lớp 10. Điều này đã được công bố ngay từ đầu năm học nhưng kết quả vẫn có đến hơn 50% học sinh (HS) đạt điểm dưới trung bình môn toán. Ngay trong ngày công bố số liệu thống kê nói trên, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc sở này, nhìn nhận năng lực giải bài toán thực tế của HS còn hạn chế, kỹ năng làm bài chưa tốt.
[VIDEO] Muôn kiểu “giết thời gian” của phụ huynh chờ con thi lớp 10
Giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), khẳng định những yêu cầu về kiến thức toán học trong đề thi vừa qua đều ở mức độ cơ bản, không đánh đố, thế nhưng phần lớn HS đều “chịu thua” các bài toán thực tế. Như vậy cách học của HS còn mang tính chủ quan, vẫn tập trung vào dạng toán “tủ”, chưa đáp ứng với mục tiêu đổi mới.
Còn giáo viên Phạm Quốc Thúy, Trường THCS Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), cũng chia sẻ đề thi hoàn toàn không khó, không nằm ngoài chương trình và không bất ngờ, tuy nhiên HS thiếu khả năng tư duy, không phân tích được lời dẫn nhập trong các câu hỏi. Theo giáo viên này, ở một số trường, việc đổi mới đang thực hiện chỉ mới là vận dụng kiến thức mà chưa phát huy được khả năng sáng tạo, độc lập, giải quyết vấn đề trong những tình huống ứng dụng khác nhau.
Tương tự ở môn ngữ văn, qua việc năm 2017 có khoảng 94% bài thi đạt điểm trên trung bình nhưng đến năm 2018 thì giảm xuống còn 86%, giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), nói rằng số thí sinh đạt điểm 8 trở lên không nhiều, đa số các em bị “gãy” ở câu số 2. Giáo viên này cho rằng: “Năm nào câu hỏi cho dưới dạng trực tiếp thì thí sinh giải quyết khá nhanh và điểm cao. Đến năm nay, đề bài yêu cầu tư duy để đưa ra nhận định thì liền mắc lỗi, làm lạc đề…”.
[VIDEO] Vừa chờ đón con thi lớp 10 vừa lo mưa lớn
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, kết quả kỳ thi này cũng cho thấy một bộ phận giáo viên chưa theo kịp hoặc ngại thay đổi. Ông Hiếu khẳng định, trong những năm học tới, Sở vẫn sẽ tiếp tục ổn định những đổi mới về đề thi và các trường phải thực hiện cụ thể hơn, hiệu quả hơn việc đổi mới phương pháp dạy và học thì mới có thể tiệm cận đổi mới kiểm tra, đánh giá hiện nay.
Giáo viên Đặng Hữu Trí nhấn mạnh, giáo viên không nên chờ đến lớp 9 mới rèn những kỹ năng làm bài tập vận dụng thực tế để đáp ứng kỳ thi. Đồng quan điểm này, một giáo viên Q.1 cho biết: “Ngay ở lớp học thấp hơn, phải có sự lồng ghép, cập nhật kiến thức thực tế. Để làm được điều này, giáo viên cũng đừng nên hàn lâm, hãy chủ động trong giảng dạy, thoát ra khỏi những giáo án lỗi thời của mình”.
[VIDEO] Thấp thỏm trước cổng trường để cùng con "thi" vào lớp 10
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.