Khi đổi mới giáo dục phổ thông, dạy học tích hợp sẽ là phương pháp giáo dục chủ đạo ở cấp tiểu học, đặc biệt là THCS. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết giáo viên vẫn rất mơ hồ về khái niệm này, thậm chí hiểu sai.
Học sinh Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) trong một giờ học toán qua mỹ thuật - Ảnh: Tuệ Nguyễn
|
Là người trực tiếp đi tập huấn cho giáo viên ở nhiều trường phổ thông về dạy tích hợp, tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét: “Đến thời điểm này, ngay cả những giáo viên ở trung tâm thủ đô cũng còn rất mơ hồ về khái niệm dạy học tích hợp, nếu không muốn nói là hầu hết vẫn hiểu sai về tích hợp”.
|
Khi trả lời băn khoăn về phương pháp dạy học tích hợp liệu có quá mới mẻ với đội ngũ hiện có cũng như với ngay cả cách đào tạo ở các trường sư phạm, đại diện Bộ GD-ĐT đều nêu dẫn chứng từ cuộc thi tích hợp liên môn được phát động 2 năm gần đây và có những giáo viên rất xuất sắc.
Tuy nhiên, trên thực tế, số giáo viên, số trường phổ thông tham gia vào cuộc thi này còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông khi triển khai sẽ là đại trà chứ không thí điểm như trước kia.
Chính vì vậy, trên thực tế có giáo viên vì đã tích hợp không có sự cân nhắc, lựa chọn trong một bài dạy nên dạy không đủ giờ, cái chính chưa nói được bao nhiêu mà phần tích hợp đã căng phồng, làm biến dạng tiết học. Lại có giáo viên lầm tưởng tích hợp là dựa vào cái này để tranh thủ nói về cái kia, nói càng nhiều càng tốt. Có bộ phận không nhỏ giáo viên thì băn khoăn liệu tích hợp có làm “hỏng” môn học hay không nên tốt nhất là… không tích cái gì vào cả.
Theo tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, việc thực nghiệm dạy học tích hợp cần phải được thực hiện và phải được tiến hành rất kỹ lưỡng dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải trên một cuộc thi, ai thích thì tham gia như hiện nay. Giáo viên cần có hướng dẫn nhưng phải là hướng dẫn mở để họ biết hướng đi đúng nhưng có những cách thức khác nhau để đi tới đích.
|
Hiện tại, một vài trường cũng đang tìm cách thử nghiệm dạy tích hợp theo cách gắn nội dung giảng dạy với bài học thực tiễn chứ không phải khiên cưỡng ghép kiến thức môn này với môn kia.
Tích hợp bằng các bài học thực tiễn
Nhiều giáo viên tỉnh Hà Nam đang cùng nhau xây dựng các chuyên đề tích hợp bằng các bài học thực tiễn. Chẳng hạn như liên quan đến kiến thức về tính diện tích, chu vi hình học ở môn toán; hoặc kiến thức về các loại phân vô cơ, hữu cơ trong môn hóa học; sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng ở môn sinh học, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh (HS) tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo bằng việc cho HS nhập vai như những người nông dân thực sự.
Giáo viên có thể đưa HS trực tiếp xuống đồng ruộng, tham gia vào việc cấy lúa cùng với các bác nông dân. Thông qua đó, giáo viên kết hợp hướng dẫn HS về cách tính diện tích của một thửa ruộng, giới thiệu về các loại phân vô cơ, hữu cơ cần thiết cho một ruộng lúa và giới thiệu về quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa... Như vậy có thể thấy, từ hoạt động trải nghiệm sáng tạo này, giáo viên không chỉ tích hợp kiến thức của nhiều môn học khác nhau như: toán, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý mà còn giúp HS phát triển được nhiều kỹ năng sống.
Ông Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nam, cho biết: “Để giáo viên dễ hình dung, tại các hội nghị tập huấn, chúng tôi đều tổ chức các tiết dạy minh họa. Ngoài ra, để việc triển khai dạy học tích hợp, liên môn đạt hiệu quả trong các nhà trường, chúng tôi yêu cầu hiệu trưởng phải là nòng cốt về chuyên môn, bởi hiệu trưởng mà không làm, không năng động, không quyết tâm làm thì giáo viên khó mà thực hiện được”.
|
Có thể dạy toán bằng... mỹ thuật
Giờ học toán do tiến sĩ Chu Cẩm Thơ và nhóm cộng sự thực hành tại lớp 7 ở Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) mang đến một làn gió hoàn toàn mới lạ với cách học toán thông thường hằng ngày.
Tiết học cũng là 45 phút nhưng cảm giác trôi qua quá nhanh vì sự hứng khởi của HS. Các em được phát cho những mảnh ghép hoàn toàn giống nhau và mặc sức ghép nên các hình khối theo trí tưởng tượng và sức sáng tạo của từng HS, từng nhóm. Bởi vậy, dù học toán nhưng lại không bắt buộc tất cả đều phải ra một đáp án duy nhất đúng. Mỗi HS, mỗi nhóm là một khối hình hoàn toàn khác nhau. Khối hình nào được cho là đẹp, ý tưởng độc đáo, thông minh… phụ thuộc vào sự bầu chọn của HS trong lớp.
Hầu hết HS đều hào hứng và khẳng định, chưa bao giờ việc học toán lại dễ chịu đến thế, các em được tô, vẽ, xé dán và ngắm “đáp án” của mình một cách sinh động, đầy màu sắc…
Đây chính là thử nghiệm của tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cho đề tài dạy tích hợp toán học và mỹ thuật dành cho HS bậc THCS.
Tiến sĩ Thơ cho hay ý tưởng này nhen nhóm khi tìm kiếm để bồi dưỡng cho giáo viên các trường phổ thông về chủ đề tích hợp. Nếu chỉ xoay quanh việc kết hợp phần nội dung kiến thức này với kiến thức kia thì vẫn chỉ là những bài toán, bài học thông thường chứ không phải bài học gắn liền với thực tiễn. Muốn như vậy thì phải tìm ra một bài học xuất phát từ thực tiễn rồi mới chỉ ra tính quy luật của nó. HS phải trải nghiệm và tự làm ra sản phẩm vì chỉ trong quá trình đó HS mới vận dụng những kiến thức đơn thuần đã được học vào quá trình tạo ra sản phẩm ấy, kể cả kiến thức mới cũng được HS lĩnh hội một cách rất tự nhiên chứ không phải gượng ép như cách dạy truyền thống là đưa kiến thức cho HS.
“Tôi muốn không chỉ những nhà nghiên cứu chuyên sâu, những HS xuất sắc mà ngay cả những HS bình thường cũng chạm được đến vẻ đẹp của môn học mà mình đang học, cụ thể ở đây là môn toán”, tiến sĩ Thơ chia sẻ.
Tích hợp mạnh ở cấp tiểu học và THCS
Theo dự thảo khung chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm 2018, tích hợp mạnh ở lớp học dưới và phân hóa dần ở lớp học trên. Cấp tiểu học sẽ có môn tích hợp như: cuộc sống quanh ta (được phát triển từ môn tự nhiên và xã hội ở các lớp 1, 2, 3 hiện hành), tìm hiểu xã hội và tìm hiểu tự nhiên (được phát triển từ các môn khoa học, lịch sử, địa lý ở các lớp 4, 5 trong chương trình hiện hành).
Cấp THCS, xây dựng 2 môn mới khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các môn lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (được hình thành chủ yếu từ lịch sử, địa lý). Cấp THPT, 3 môn mới là công dân với Tổ quốc (tích hợp từ giáo dục công dân, quốc phòng - an ninh và một số nội dung trong lịch sử, địa lý hiện hành); khoa học tự nhiên là môn học tự chọn ở lớp 10 và lớp 11 (dành cho HS định hướng khoa học xã hội, không học các môn lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (dành cho HS định hướng khoa học tự nhiên, không học lịch sử, địa lý).
|
Bình luận (0)