Dạy học tích hợp được "nhập" về từ những nước có nền giáo dục tiên tiến. Theo đó, các môn lý, hóa, sinh được "tích" trong một tổ "hợp" gọi là khoa học tự nhiên. Tương tự với môn lịch sử và địa lý.
Quản lý lo, giáo viên càng lo
Ở những quốc gia phát triển, dạy học tích hợp với sự hỗ trợ của phương tiện và kỹ thuật hiện đại, giáo viên được đào tạo bài bản, đã mang lại những kết quả khả quan. Nhưng ở Việt Nam, phần lớn cơ sở giáo dục vẫn đang trong tình trạng thiếu thốn trang thiết bị. Giáo viên chỉ dạy đơn môn, việc tiếp cận với dạy học tích hợp gặp quá nhiều khó khăn. Hãy hình dung, con đường đất nhỏ với nhiều ổ gà thì một chiếc xe to lớn hiện đại có chạy qua được không?
Vì vậy có thể nói sau vài năm triển khai, thực tế cho thấy dạy học tích hợp không có tác dụng như kỳ vọng của những nhà cải cách.
Trong một lớp bồi dưỡng dạy học tích hợp, nhiều giáo viên cho biết thực ra trong quá trình dạy học, họ đã "vô tình" dạy lồng ghép kiến thức liên môn, họ đã dẫn học sinh tìm đến chỗ "giao thoa" giữa các môn học gần nhau. Điều này khá hấp dẫn học sinh và giáo viên tìm được nguồn cảm hứng dạy học. Đó là những thời điểm "xuất thần" mà họ dạy "tích hợp" một cách khá tự nhiên chứ không phải là kế hoạch, là mô đun một cách gò ép, khiên cưỡng, khuôn khổ như bây giờ. Họ cũng nhận xét rằng nếu chỉ "chăm bẵm" vào kiến thức liên môn thì rất dễ rời xa kiến thức căn bản của môn học.
Một sinh viên sư phạm vừa ra trường, khấp khởi mừng khi xin được việc nhưng rất hoang mang khi thấy thời gian biểu cho môn dạy học tích hợp như đám rừng.
Giáo viên trẻ này rất lo vì nghe nói năm ngoái có giáo viên mới đã phải đi học lớp tích hợp hết 3 tháng mà rồi có dạy tích hợp được đâu dù có giấy chứng nhận vì học sinh không hỏi những kiến thức chính môn đào tạo mà hay "leo lề", hỏi những kiến thức liên môn.
Còn một hiệu phó nói ước mơ của mình bây giờ là bớt chứng đau đầu bởi tuần nào cũng phải chia thời khóa biểu dạy học tích hợp.
Có xây được nhà không khi không giao mặt bằng, vật tư?
Trước những thách thức của dạy học tích hợp, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn có lần nói, một là quay về lối cũ, hai là kiên trì đào tạo giáo viên dạy tích hợp.
"Quay về lối cũ" không có nghĩa là dạy học tích hợp bị phá sản. Khi chưa đạt những điều kiện cần và đủ thì tạm dừng thôi. Đành rằng có lãng phí, có tốn kém nhưng vẫn hơn là hùng hục đi trên con đường không có đích đến.
Còn chuyện có nên kiên trì đào tạo giáo viên dạy học tích hợp hay không thì phải xem lại các cơ sở giáo dục đã bài bản chưa? Số học sinh trong lớp đã chuẩn theo quy định chưa? Rồi máy móc, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật tương xứng cho dạy học tích hợp đã đủ chưa? Thiếu những "hạng mục" đó thì khác nào mời thợ đến xây nhà mà không giao mặt bằng, vật tư cho họ.
Dạy học tích hợp là mục tiêu mà nhà trường cần chiếm lĩnh để hòa nhập vào dòng chảy của những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Muốn vậy phải có lộ trình, phương pháp, nhân lực, vật lực, và có quyết tâm. Sự nôn nóng, thiếu chuẩn bị chẳng khác nào tự mình đắp lên một ngọn núi khó khăn rồi ì ạch bò qua.
Bình luận (0)