Chi phí phòng chống dịch tăng
Trong buổi khảo sát tại Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM), hiệu phó Mai Quang Phương cho biết có khoảng 140 học sinh thuộc diện F0 (chiếm tỷ lệ khoảng 8,7% tổng số học sinh toàn trường), đang cách ly và theo dõi tại nhà. Những học sinh này vẫn đang học trực tuyến cùng thời khóa biểu với lớp học trực tiếp.
Theo ông Phương, số lớp học trực tiếp và trực tuyến thay đổi theo từng ngày do số học sinh F1 hoàn thành cách ly tại nhà. Hiện nay Trường tiểu học Phan Đình Phùng có 34/41 lớp học trực tiếp, trong khi ngày trước đó là 27/41 lớp.
Một tiết học kết hợp trực tiếp và trực tuyến cho học sinh trên lớp và học sinh cách ly tại nhà của giáo viên Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) |
BÍCH THANH |
Ông Phương cho biết, hiện nay toàn bộ chi phí trang bị kit xét nghiệm nhanh, dung dịch khử khuẩn, máy đo nhiệt độ, đo nồng độ oxy máu… đều được trích từ kinh phí chi thường xuyên của trường. Trước mắt, trường chỉ trang bị 30 kit xét nghiệm nhanh, sử dụng đến đâu trang bị thêm tới đó do kinh phí có giới hạn.
Còn tại Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 (Q.3), hiệu trưởng Vũ Đỗ Thúy Hiền cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là ngoài kinh phí trang bị kit xét nghiệm nhanh thì còn phải mua dung dịch khử khuẩn để vệ sinh đồ chơi cho học sinh 2 lần/ngày, bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, mặt bàn, mặt ghế…
Chỉ tính trong tháng 2, tổng chi phí trang bị xà phòng, khăn giấy, dung dịch khử khuẩn, xịt côn trùng… cho toàn trường là 24 triệu đồng. So với giai đoạn dịch Covid-19 chưa bùng phát, chi phí vệ sinh đã tăng hơn 6 triệu đồng/tháng. Trước mắt, nhà trường tạm thời xoay xở được nhưng về lâu dài cần có thêm quy định về xã hội hóa nhằm tháo gỡ khó khăn, theo bà Hiền.
TP.HCM chỉ đạo khẩn về yêu cầu xét nghiệm học sinh F1 |
Đề xuất tháo gỡ khó khăn
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, cho hay Ban thực hiện khảo sát ngẫu nhiên, đột xuất ở tất cả bậc học, loại hình trường lớp để nắm bắt tình hình, những thuận lợi và khó khăn, kiến nghị đề xuất của nhà trường, phụ huynh... Từ đó, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM đề nghị UBND, Sở GD-ĐT, Sở Y tế… có biện pháp xử lý kịp thời, điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết, đồng thời tuyên truyền sâu rộng để phụ huynh hiểu, chung tay tổ chức cho con em đi học an toàn.
Học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (Q.3, TP.HCM) ăn trưa tại trường khi học trực tiếp vào ngày 2.3 |
BÍCH THANH |
Ông Bình nhìn nhận, để tổ chức dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn cho học sinh cần có sự nỗ lực rất lớn của từng nhà trường, đội ngũ giáo viên, nhân viên.
"Các trường chủ động thực hiện nguồn lực xã hội hóa để vừa đảm bảo học sinh đi học vừa đảm bảo không cắt xén bất cứ một tiêu chí an toàn, trang thiết bị, đồ dùng vệ sinh, sát khuẩn nào. Cho dù đó có thể là một gánh nặng về kinh phí nhưng nhà trường lấy tiêu chí hàng đầu là đảm bảo an toàn cho học sinh", ông Bình nói.
Trưởng Ban Văn hóa xã hội cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các sở, ngành liên quan để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho cơ sở giáo dục, nhất là trong việc trang bị kit xét nghiệm, dung dịch khử khuẩn nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi học trực tiếp.
Bình luận (0)